Hàng hóa, USD tăng nhẹ, chứng khoán biến động trái chiều vì Fed
Trong bài phát biểu của mình, bà Janet Yellen cho biết, khả năng Fed tăng lãi suất ngày càng cao nhưng Fed sẽ chỉ tăng từ từ. Phát biểu của bà Yellen đã gây thất vọng lớn cho thị trường khi vẫn không thể đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về thời điểm Fed sẽ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, khẳng định của Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer sau đó phần nào đã cứu thị trường khỏi một phen bán tháo. Ông Fischer cho biết, Fed sẽ vẫn theo lộ trình tăng lãi suất trong năm nay.
Kết quả là, giới đầu tư rơi vào tâm lý hoang mang và giao dịch theo những yếu tố tạm thời, khiến thị trường hàng hóa, tiền tệ và chứng khoán liên tục biến động.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay bật tăng 1,5% ngay sau khi bà Yellen đăng đàn phát biểu. Tuy nhiên, giá vàng sau đó giảm dần về cuối phiên khi ông Fischer bình luận về chính sách của Fed. Chốt phiên, giá vàng giao ngay chỉ tăng 0,02% lên 1.321,52 USD/ounce và giảm 1,5% trong cả tuần sau khi liên tục tăng trong 2 tuần trước đó.
Giá vàng giao tháng 12/2016 cũng tăng 0,1% lên 1.325,90 USD/ounce
Trong khi đó, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR không hề phản ứng trước các yếu tố ngắn hạn trên thị trường; quỹ vẫn giữ nguyên dự trữ vàng trong kho ở 956,59 tấn.
Ngoài vàng, bạc cũng tăng giá lên 18,46 USD/ounce, tăng 0,6% sau khi xuống thấp nhất 8 tuần trong phiên trước đó. Ngược lại, bạch kim và palladium lần lượt giảm 0,01% và 0,1%.
Cũng giống như vàng, USD tăng giảm liên tục trong cả phiên 26/8. Đầu phiên, chỉ số đôla giảm 0,6% sau bài phát biểu của bà Yellen nhưng sang đến phiên chiều, chỉ số này bất ngờ phục hồi, tăng 0,7%. Chốt phiên, chỉ số đôla vẫn ăng 0,74%; trong đó USD lên cao nhất 2 tuần so với yên và cao nhất 10 ngày so với euro.
USD tăng kéo theo giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá dầu thô. Cụ thể, giá dầu Brent chốt phiên tăng 0,5% lên 49,92 USD/thùng và giá dầu WTI tăng 0,07% lên 47,64 USD/thùng. Trong cả tuần, giá dầu Brent giảm 1,9% và giá dầu WTI giảm 3%.
Nguyên nhân khiến giá dầu thô giảm trong tuần qua, ngoài Fed, là tâm lý lo ngại về tình hình dư thừa nguồn cung trên toàn cầu và kết quả đàm phán của Hiệp hội Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ trong tháng 9/2016 tới đây.
Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư ở mỗi thị trường lại phản ứng với bài phát biểu của bà Yellen theo chiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu nhìn chung cũng đã trải qua một phiên biến động mạnh với chỉ số biến động CBOE chạm đỉnh 7 tuần.
Tại Mỹ, ba chỉ số chứng khoán chính, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq, lần lượt giảm 0,29%, 0,16% và 0,13%.
Tương tự, tại châu Á, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 0,45%. Trong đó, mức tăng 0,06% của chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) và 0,4% của Hang Seng (Hong Kong) cũng không thể bù lại mức giảm mạnh 1,3% của Topix (Nhật Bản).
Tại châu Âu, giới đầu tư chứng khoán có vẻ lạc quan hơn khi chỉ số STOXX 600 tăng 0,5%, với phần lớn cổ phiếu của tất cả lĩnh vực đồng loạt tăng điểm.