Hãng hàng không thuê chuyến đầu tiên Việt Nam được 'duyệt' 3 tàu bay
Dự án có tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng, thời hạn hoạt động dự án 50 năm được Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam với quy mô 3 tàu bay A320/321, B737 hoặc tương đương trong năm đầu tiên khai thác, tăng dần đến 8 tàu bay sau 5 năm.
Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến Vietravel Airlines sẽ mất khoảng 9 tháng thực hiện đầu tư, trước khi chính thức khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ, quy mô dự án được nhà đầu tư xác định trên cơ sở phân tích địa điểm lựa chọn sân bay căn cứ (Cảng hàng không quốc tế Phú Bài - PV), lợi thế các mặt khai thác và thương mại, dự kiến kế hoạch đường bay... để phát triển đội máy bay với các dòng chủng loại dự kiến sử dụng 2 tầm tải là ngắn - trung với dòng tàu bay A320/A321 hoặc B737 hoặc tương đương và trung xa với dòng tàu bay A330/350 hoặc B787 hoặc tương đương.
Cũng theo Bộ này, Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 92/2016 của Chính phủ quy định số lượng tàu bay duy trì trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không tối thiểu là 3 tàu bay đối với kinh doanh vận chuyển hàng không, tối thiểu là 1 tàu bay đối với kinh doanh hàng không chung. Dự kiến quy mô đầu tư của nhà đầu tư là phù hợp.
Ngoài ra, việc nhà đầu tư chọn sân bay Phú Bài làm căn cứ đã có thỏa thuận với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, nhà đầu tư chịu trách nhiệm về ký hợp đồng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP bảo đảm đủ các dịch vụ cần thiết.
Trong báo cáo Thủ tướng, Bộ KH&ĐT cho rằng đối với giai đoạn xem xét chủ trương đầu tư, tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án của Vietravel Airlines như đã nêu trên có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án mới được tính toán ở mức sơ bộ, hiệu quả của dự án còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác do mô hình khai thác của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch thường tập trung tại các trung tâm vận tải hàng không như: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, trong khi đó sân bay căn cứ đặt ở Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có thị trường hành khách đi/đến không cao.
Cần phải nhắc lại Đề án của Vietravel Airlines, hãng bay thuê chuyến đầu tiên tại Việt Nam dự định phát triển mạng đường bay nội địa tập trung khai thác các cảng hàng không thứ cấp như: Huế, Chu Lai, Vân Đồn, Hải Phòng, Cần Thơ... gắn với nhu cầu vận chuyển khách du lịch của Công ty lữ hành Vietravel và các đường bay kết nối các cảng hàng không với nhau theo nhu cầu của khách du lịch.
Mạng đường bay quốc tế khai thác từ các Cảng Hàng không Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và các cảng hàng không quốc tế thứ cấp khác đi/đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á... và các điểm du lịch tại châu Úc, châu Âu, châu Mỹ, phù hợp với quy hoạch Mạng đường bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trước đó đã đưa ra khuyến cáo rằng: Với mô hình khai thác thuê chuyến, Công ty Vietravel sẽ khó có được slot tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng... Do đó, Vietravel cần xây dựng kế hoạch khai thác linh hoạt phù hợp với thực tiễn tại các cảng hàng không nêu trên.
Trong khi đó, việc sử dụng các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm sẽ gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không, đặc biệt là Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải và Nội Bài đã đạt giới hạn khai thác.
Hiện nay, một số hãng hàng không như Bamboo Airways, Jetstar Pacific đang khai thác nhưng bị thua lỗ. Trước đó, một số hãng bay đã phải đóng cửa như Indochina Airlines, Mekong Air...