Hàng chục hộ dân ngăn cản thi công khu tái định cư Sài Gòn Safari
Sáng 13/8, tại huyện Củ Chi (TP HCM), ông Nguyễn Văn Út, Chánh Văn phòng UBND huyện Củ Chi đã chủ trì buổi họp báo công bố tình hình thực hiện khu tái định cư dự án Sài Gòn Safari.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND huyện Củ Chi cho biết ngày 8/8, UBND huyện đã tổ chức khởi công thực hiện du675 án tái định cư. Tuy nhiên, trong 5 ngày thi công, (từ ngày 8-12/8), có 26 hộ dân đến ngăn cản và không cho thi công công trình.
Theo UBND huyện, các hộ dân nói trên có đất bị ảnh hưởng trong dự án Sai Gòn Safari nhưng không có đất bị ảnh hưởng trong khu đất xây dựng khu tái định cư của dự án.
UBND Huyện Củ Chi họp báo vào sáng 13/8 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Út, Chánh Văn phòng UBND huyện
“Để đảm bảo nơi ở, giải quyết bức xúc cho 247 hộ dân đăng ký nhu cầu tái định cư trong dự án, huyện ủy, UBND huyện quyết tâm thực hiện nhanh, đồng thời tiếp tục đối thoại với các hộ dân chưa đồng thuận”, ông Út nói.
Trước đó vào ngày 14/6, tại huyện Củ Chi, TTCP đã công bố Kết luận Thanh tra toàn diện Dự án Safari tại hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng.
Đối với khu tái định cư của dự án, dù đã có mặt bằng và nguồn vốn nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện được, trong khi theo quy định, khu tái định cư phải được thực hiện đồng thời với giải phóng mặt bằng.
Kết luận của TTCP kiến nghị khẩn trương triển khai xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ dân đã đăng ký tái định cư.
Trong thời gian chưa xây dựng xong khu tái định cư thì UBND TP HCM cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ này, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Củ Chi và Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn có phương án, biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.
Dự án Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi, có diện tích hơn 485 ha, được cấp phép từ năm 2004 do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Có 705 hộ bị thu hồi đất, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai, đất thu hồi xong bị bỏ hoang nhiều năm khiến người dân bức xúc. Tháng 5-2016, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận chủ trương giao cho đơn vị khác nghiên cứu đầu tư dự án.
Khu tái định cư đang được gấp rút thi công để bố trí cho hàng trăm hộ dân bị giải tỏa
Trong những năm qua, nhiều hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án đã liên tục khiếu nại, kiến nghị. TTCP xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến khiếu kiện hiện nay là do kể từ khi thu hồi đất đến nay đã gần 14 năm, nhưng dự án chưa triển khai xây dựng và có sự so bì giữa các hộ dân có đất bị thu hồi.
Theo kết luận của TTCP, Dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô lớn, diện tích phải thu hồi rất rộng (456,85ha), là dự án trong lĩnh vực văn hóa du lịch nhưng UBND TP HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định.
Cụ thể: UBND TP HCM giao cho Công ty Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án trong khi đơn vị này không đủ năng lực triển khai thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án chưa triển khai được. Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM giai đoạn 2001-2006.
Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau 13 năm kể từ ngày UBND TP HCM có văn bản chấp thuận thì đồ án mới hoàn thành và được phê duyệt là thời gian quá dài, trong khi đây là tài liệu quan trọng để quyết định đầu tư dự án.
Trong các nguyên nhân, Kết luận thanh tra xác định có nguyên nhân chủ quan là do các cơ quan chức năng của TP HCM chưa cố gắng tìm giải pháp phù hợp để báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng.
Đặc biệt, về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Kết luận của TTCP xác định, phương án giá đưa ra có một số nội dung không phù hợp quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm đó, cũng như việc áp giá đền bù chưa phù hợp làm phát sinh chi phí đền bù tăng 104,7 tỷ đồng.
Cụ thể, Thanh tra đã kiểm tra 705 hồ sơ đền bù, thấy có đến 578 hồ sơ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hàng năm (màu, lúa màu) hoặc đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn).
Tuy nhiên, huyện đã áp giá "đất vườn gò trong khu dân cư", với đơn giá 150.000 đồng/m2, cao gấp đôi đất trồng cây lâu năm đã hệ số K. Việc này khiến số tiền chi tăng thêm hơn 104,7 tỷ đồng.
Số tiền này đã được chi trả cho 689/705 hộ dân. Số tiền này đã được chi trả đủ cho người dân, qua thanh tra chưa phát hiện có dấu hiệu vụ lợi, nhưng cần phải kiểm điểm một cách nghiêm khắc.
Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đại diện các bộ ngành trung ương đều thống nhất không thu hồi lại từ người dân nhưng UBND TP HCM cân đối nguồn vốn từ ngân sách để chi trả, hỗ trợ.
Liên quan đến vụ việc trên, mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp để triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực.
Ông Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành do Chủ tịch UBND huyện Củ Chi làm tổ trưởng để giải quyết khiếu nại của người dân và một số nội dung liên quan dự án, đồng thời giao UBND huyện Củ Chi cập nhật tình hình khiếu nại của người dân báo cáo cho UBND TP HCM.