|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án 'treo' tại TP HCM: Bài 2: 'Long đong' dự án Safari và khu nhà ở Đại học Quốc gia

21:35 | 09/12/2018
Chia sẻ
Tại TP HCM, tình trạng “treo” không chỉ xảy ra nhiều ở các dự án xây dựng khu đô thị mà diễn ra ngay cả các dự án phục vụ an sinh xã hội.

Khu nhà ở Đại học Quốc gia TP HCM và Công viên Sài Gòn Safari là hai trong số đó. Cùng trải qua hơn 14 năm triển khai, 2 dự án này đã bị Thanh tra Chính phủ thanh tra và chưa thể hoàn thành. Trong khi đó, quyền lợi của nhiều người dân vẫn chưa rõ ràng, diện mạo đô thị cũng vì vậy mà bị ảnh hưởng không ít.

* Lãng phí hàng trăm hécta đất

Dự án Công viên Sài Gòn Safari được triển khai từ năm 2004, tại xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, có tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với nguồn vốn dự tính đầu tư lên đến 500 triệu USD, có chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.

du an treo tai tp hcm bai 2 long dong du an safari va khu nha o dai hoc quoc gia
Dự án Công viên Sài Gòn Safari bị bỏ hoang, làm nơi chăn thả gia súc. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Tháng 6/2004, UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2706/QĐ-UB về thu hồi và tạm giao 485,35 ha đất để bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng chuẩn bị đầu tư dự án. Phải đến 5 năm sau (2009), dự án mới tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch chi tiết 1/2000, đến năm 2011 UBND Tp. Hồ Chí Minh lập Tổ công tác liên ngành phục vụ dự án.

Tiếp đó, thành phố đã chấp nhận đề xuất và giao Công ty CP Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 dự án Công viên Sài Gòn Safari.

Về quy mô, dự án gồm 3 khu: Khu 1 xây dựng vườn ươm và giãn thú (diện tích 39,6 ha), khu 2 tạo quỹ đất xây dựng Công viên Sài Gòn Safari (417,25 ha) và khu 3 xây dựng khu tái định cư (28,5 ha).

Dự án Công viên Sài Gòn Safari đã khiến 705 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó có 443 hộ bị giải toả trắng. Đến nay tỷ lệ bồi thường, hỗ trợ di dời đạt khoảng 98%, đã bàn giao hơn 432ha mặt bằng cho chủ đầu tư. Hiện vẫn còn 16 hộ chưa nhận tiền bồi thường.

Đến tháng 2/2017, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 282/QĐ-TTCP thanh tra toàn diện dự án Công viên Sài Gòn Safari nhưng chưa được công bố. Do tình hình khiếu nại diễn biến phức tạp, tháng 7/2017, UBND huyện Củ Chi đã kiến nghị UBND thành phố và Thanh tra Chính phủ sớm ban hành kết luận thanh tra cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để UBND huyện xem xét trả lời các hộ dân.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay tiến độ triển khai dự án quá chậm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, tạo tâm lý và dư luận không tốt, gây khó khăn trong bảo vệ khu đất và trồng cây phủ xanh; dẫn đến tình trạng khiếu nại. UBND thành phố cũng chỉ đạo UBND huyện Củ Chi khẩn trương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ tiến độ dự án.

Người dân hoàn toàn đồng ý với chủ trương triển khai dự án. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến chính sách áp giá đền bù, hỗ trợ, xác định nguồn gốc đất, chậm triển khai khu tái định cư. Theo người dân, huyện Củ Chi đã không hiệp thương giá đền bù với người dân, không có quyết định thu hồi đất, việc áp giá đền bù lại không hợp lý, không công bằng khiến người dân rất bức xúc.

Trên thực địa, Công viên Sài Gòn Safari vẫn chỉ là khu đất rộng mênh mông, hàng rào kẽm gai nhiều đoạn hoen rỉ, đứt gãy, biển báo dự án không còn. Khu tái định cư được san ủi nhưng chưa được xây dựng, người dân thấy hoang phí đất nên đã trồng sắn, hoa màu. Trâu bò được chăn thả theo đàn.

* Mòn mỏi vì đất

Năm 2004, UBND Tp. Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi và tạm giao 80,8 ha tại phường Phú Hữu, quận 9 cho Công đoàn Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tiến hành bồi thường, san lấp mặt bằng chuẩn bị đầu tư dự án khu nhà ở cho cán bộ, giảng viên, nhân viên Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (còn gọi là dự án 245).

Đến tháng 2/2005, Thủ tướng Chính phủ mới cho phép đầu tư dự án tại Văn bản số 157/TTG-CN. Trên cơ sở đó, tháng 7/2005, UBND thành phố ban hành quyết định số 3452/QĐ-UBND giao diện tích đất nói trên cho Công đoàn Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. Do có khiếu kiện nên dự án phải tạm ngưng. Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận số 2284/KL-TTCP ngày 27/10/2008.

Năm 2009, thực hiện đề nghị của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Tp. Hồ Chí Minh có quyết định điều chỉnh tên chủ đầu tư từ Công đoàn Đại học quốc gia thành Đại học quốc gia thành phố. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án 245 được thành lập để quản lý, điều hành dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.263 tỷ đồng, do cán bộ, giảng viên Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh góp vốn và chỉ phục vụ cán bộ, giảng viên của trường.

Từ năm 2009 – 2013, Ban Quản lý dự án 245 làm đại diện cho chủ đầu tư tiến hành rà soát các hợp đồng góp vốn, loại bỏ 34 hợp đồng không hợp lệ, trùng lặp. Từ năm 2014 đến nay, sau khi có quy hoạch chi tiết 1/500, Ban Quản lý dự án 245 đã nộp gần 96,5 tỷ đồng tiền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư dự án thành phần, ký kết lại hợp đồng với người góp vốn. Hiện nay, ranh giới dự án đã được rào chắn, cắm mốc, đã thi công và đưa vào sử dụng đường trục H và F.

Kết luận số 2284/KL-TTCP nói trên của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Công đoàn Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh không đủ năng lực, thẩm quyền và trách nhiệm để làm chủ đầu tư dự án. Chủ tịch Công đoàn Đại học quốc gia thành phố thời kỳ này là ông Vũ Đình Chỉnh đã vi phạm trong việc ký 561 hợp đồng, 638 lô đất với diện tích hơn 15,3ha với các cá nhân không thuộc Đại học quốc gia thành phố, chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/2000, 1/500 nhưng vẫn ký hợp đồng góp vốn dẫn tới việc đầu cơ đất đai, mua đi bán lại để trục lợi.

Theo hợp đồng liên kết triển khai dự án, Công ty EDICO góp vốn đầu tư 15/80ha, Công đoàn Đại học quốc gia thành phố đầu tư 65/80ha. Thế nhưng cũng chỉ vì 15ha này mà dự án đã kéo dài nhiều năm. Phía Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc EDICO đơn phương xin tách 15ha để làm dự án độc lập thể hiện sự không tôn trọng, đồng thời EDICO chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư theo hợp đồng liên kết.

Trong khi quy hoạch 1/500 của dự án chưa được phê duyệt thì Công ty EDICO đã hợp tác với công ty môi giới bất động sản, rao bán đất nền dự án quy mô hơn 80 ha với giá 1,6 triệu đồng/m2 để hưởng chênh lệch 11 tỷ đồng.

Riêng về diện tích 15ha này, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trước khi ký hợp đồng với Công ty EDICO, Công đoàn Đại học quốc gia thành phố đã ký nhiều hợp đồng để góp vốn đầu tư, mua đất nền và đã phân phối hết diện tích đất ở. Do đó, thực tế Công ty EDICO không còn điều kiện để thực hiện việc góp vốn đầu tư trên diện tích 15/80ha như đã ghi trong hợp đồng. Đây là nguyên nhân khiến Công ty EDICO khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 1/2009, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chỉ đạo Giám đốc và Ban lãnh đạo Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh kiểm điểm trách nhiệm do buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện dự án; kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với sai phạm của Chủ tịch Công đoàn Đại học quốc gia thành phố và các cá nhân có liên quan. Trong trường hợp cần thiết và có đủ căn cứ thì Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm.

Mới đây, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đã xin phép Thủ tướng Chính phủ tự tìm kiếm nhà đầu tư khai thác quỹ đất chung cư, thương mại để lấy kinh phí bù đắp thiếu hụt xây dựng hạ tầng. Theo lý giải của trường, cán bộ, giảng viên và người góp vốn vào dự án chỉ để nhận nền nhà chứ không để triển khai các dự án thành phần. Trong khi đó dự án kéo dài hơn 10 năm, giá cả thị trường bất động sản biến động, suất đầu tư hiện tại tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Về tiến độ triển khai dự án, tính đến ngày 30/9/2018, đã có 959 người góp vốn bốc thăm lô nền. Sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn chỉ đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh xem xét đề xuất phương án thay đổi mục tiêu dự án thành phần trên diện tích 5,5ha thuộc dự án (xây dựng chung cư CC3, CC4, CC5) sang mục tiêu thương mại để lấy kinh phí làm hạ tầng, Ban Quản lý dự án 245 đang triển khai hợp tác với liên danh với Công ty HFIC – Thuận Việt – Cienco6. Đồng thời, đang triển khai thiết kế và thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải, bờ kè chống sạt lở và thiết kế công viên dự án.

Như vậy hàng trăm cán bộ, giảng viên, nhân viên Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh vẫn phải tiếp tục mòn mỏi “ngóng chờ” nhà ở mà chưa biết khi nào sẽ có kết quả cuối cùng.

Xem thêm

Trần Xuân Tình

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.