|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án 'treo' tại TP HCM: Bài 1: Nhìn từ 2 dự án 'treo' kỷ lục

21:05 | 09/12/2018
Chia sẻ
Thời gian qua, việc quản lý quy hoạch đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng diện mạo đô thị hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực.

Thời gian qua, việc quản lý quy hoạch đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần xây dựng diện mạo đô thị hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thực trạng này đòi hỏi Tp. Hồ Chí Minh cần có các giải pháp để xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai.

Bài 1: Nhìn từ hai dự án “treo” kỷ lục

Hiếm có nơi nào như tại Tp. Hồ Chí Minh, cách trung tâm quận 1 sầm uất bởi con sông là bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) im lìm với những cánh đồng, ao đầm bỏ hoang suốt 26 năm qua.

Cùng chung cảnh ngộ là hàng trăm héc ta đất được thu hồi để làm dự án Khu đô thị Sing Việt thuộc huyện Bình Chánh cũng bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Bán đảo Thanh Đa và Khu đô thị Sing Việt đã khiến hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng bởi độ “treo” lịch sử bậc nhất tại Tp. Hồ Chí Minh.

* “Treo” 26 năm

Dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa được quy hoạch từ năm 1992, bao gồm diện tích phường 28 quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh. Đến năm 2004, thành phố thu hồi đất giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư nhưng vẫn không triển khai được. Đến cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC (Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất) được UBND Tp. Hồ Chí Minh chỉ định làm nhà đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên năm 2017, do thành phố bế tắc trong vấn đề chi phí bồi thường, xác định thời điểm giao đất nên Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án. Thành phố đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án.

du an treo tai tp hcm bai 1 nhin tu 2 du an treo ky luc
Một căn nhà tạm bợ nằm trong quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Theo quy hoạch, dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa có tổng diện tích toàn khu gần 427ha, bao gồm khu dân dụng (nhà ở cao tầng, biệt thự, tái định cư, công viên cây xanh, công trình công cộng), khu chức năng đặc thù (cây xanh sinh thái, trung tâm đô thị mới)… Về quy hoạch giao thông kết nối, Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa sẽ được xây dựng thêm 5 cầu bên cạnh 1 cầu hiện hữu (cầu Kinh) gồm: cầu Kinh 2 và 4 cầu tại phường 28, kết nối trực tiếp với quận Thủ Đức và quận 2.

Chính vì thời gian "treo" kỷ lục nên mọi giao dịch, mua bán nhà đất tại đây đều trong tình trạng đứng im. Đa số vẫn là diện tích đất nông nghiệp, nhiều thế hệ gia đình phải sống trong các căn nhà cấp 4 chật chội, thiếu thốn, “mua không được, bán cũng không xong”.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang lập tiêu chí đấu thầu dự án và đã có 4 doanh nghiệp lớn tham gia. Những doanh nghiệp này sẵn sàng chi 3 tỷ USD cho thành phố để tham gia dự án.

Có thể thành phố sẽ điều chỉnh quy mô diện tích dự án cho phù hợp. Trong quá trình đó, để hỗ trợ người dân, UBND thành phố đã chấp thuận theo đề xuất của Sở Xây dựng là cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa chứ không ép buộc, cấm đoán như lâu nay.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến vấn đề này, nhiều người dân sống tại bán đảo Thanh Đa cho hay, họ biết thông tin qua báo chí nhưng khi làm nhà thì bị cấm.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường 28, quận Bình Thạnh cho biết, chưa có văn bản chính thức từ phía UBND thành phố về việc cấp phép xây dựng có thời hạn cho người dân nên hiện tại vẫn phải tuân thủ quy hoạch, không cho xây mới. Quận Bình Thạnh chỉ cấp phép cho việc cải tạo, sửa chữa. Trước đây khi chưa có quy hoạch Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa, đã có quy hoạch một số khu vực xây biệt thự. Về sau quy hoạch Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa phủ lên nên các biệt thự này có thể cũng sẽ phải giải toả.

Trong diễn biến liên quan, vừa qua Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh được tham gia đấu thầu dự án này. Động thái này đang thắp lại hy vọng dự án Khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa sẽ được khởi động tiếp sau 26 năm “ngủ im”, sớm chất dứt tình trạng treo, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của hàng nghìn người dân nơi đây.

* Bỏ hoang khu đô thị Sing Việt

Ở phía Tây Nam thành phố, trải dọc tuyến đường nhựa sạch đẹp Trần Văn Giàu, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh là dự án Khu đô thị Sing Việt. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển địa phương với quy mô 331ha, tổng vốn đầu tư 1.939 tỷ đồng.

Dự án khiến 571 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời. Hiện vẫn còn một số người dân có đất nông nghiệp chưa chấp nhận đơn giá đền bù, đang khiếu nại nên việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể hoàn tất. Ngay cả khu tái định cư vẫn chưa được xây dựng mặc dù chủ đầu tư đã bỏ ra hơn 500 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Khu đô thị Sing Việt được Chính phủ chấp thuận địa điểm từ năm 1997 với quy mô 331 ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh nhưng phải đến 10 năm sau (năm 2007), UBND thành phố mới có quyết định thu hồi đất tổng thể.

du an treo tai tp hcm bai 1 nhin tu 2 du an treo ky luc
Toà nhà điều hành dự án Khu đô thị Sing Việt tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN

Dự án này do Công ty TNHH đô thị Sing Việt, trước đây là Công ty Liên doanh đô thị Sing Việt bởi một công ty của Singapore và Công ty CP đầu tư Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư với chức năng xây dựng khu liên hợp thể thao gồm: sân gôn, trường đua ngựa, đua xe môtô, khu du lịch thương mại, khách sạn, biệt thự, công viên giải trí…

Trong quá trình triển khai dự án, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh và chủ đầu tư đã 3 lần thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá nhưng đều ở mức “bèo bọt”, từ 150.000 đồng/m2 đất nông nghiệp và cao nhất là 2,67 triệu đồng/m2 đất ở. Đây cũng là cơ sở đơn giá bồi thường được UBND thành phố chấp thuận áp dụng tại Công văn số 10/UBND-ĐTMT.

Tuy nhiên tại Văn bản số 1906/UBND ngày 29/12/2011, UBND huyện Bình Chánh cho rằng, đơn giá theo Công văn số 10/UBND-ĐTMT nói trên của UBND Tp. Hồ Chí Minh không còn phù hợp với giá thị trường.

Trong khi đó, theo các công ty thẩm định giá do người dân thuê như: Công ty CP Giám định Ngân Hà thì giá đất nông nghiệp mức từ 636.000 đồng/m2, còn Công ty thẩm định giá Hoàng Quân thì đưa ra giá 2,695 triệu đồng/m2.

Chưa kể đất nông nghiệp ở các dự án lân cận trên địa bàn huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh và cả địa bàn tiếp giáp thuộc tỉnh Long An cũng có giá cao hơn nhiều lần như: giá đất nông nghiệp mặt tiền đường xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh vào năm 2011 ở mức 5,3 triệu đồng/m2; đất Long An vị trí giáp xã Lê Minh Xuân có giá từ 1,9 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, khi áp giá đền bù làm dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 cũng có giá từ 561.000 đồng/m2. Hay như Khu tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968 cũng có giá từ 415.000 đồng/m2, Bệnh viên Nhi đồng thành phố có giá từ 523.000 đồng/m2…

Về sự chênh lệch đơn giá nói trên, tháng 7/2014, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND huyện Bình Chánh đề xuất giá bồi thường, mức hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, làm rõ sự chênh lệch đơn giá do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định với đơn giá người dân thuê đơn vị khác thẩm định.

Điều đáng nói, ngay tại biên bản làm việc ngày 28/7/2011 giữa lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh và người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đã xác nhận, dự án Sing Việt có vốn 100% của nước ngoài và bồi thường theo giá thị trường. Tuy nhiên, các cấp chính quyền từ huyện Bình Chánh cho đến Tp. Hồ Chí Minh vẫn áp giá "bèo bọt,, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, dẫn tới phát sinh khiếu nại kéo dài.

Liên quan đến dự án này, bản kết luận số 200/KL-TTTP-P3 ngày 26/3/2013 của Thanh tra Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hàng loạt vi phạm của UBND huyện Bình Chánh qua các thời kỳ trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị Sing Việt như: không tổ chức công bố phương án tổng thể số 114/PABT-HĐB ngày 3/3/2006 của Hội đồng Bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng; ban hành quyết định thu hồi đất riêng lẻ cho từng hộ dân chậm so với quy định; ban hành Kết luận Thanh tra số 534/KL-UBND ngày 26/4/2012 của UBND huyện Bình Chánh quá thời hạn luật định.

Cùng với đó là sai sót của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, UBND xã Lê Minh Xuân, Công ty TNHH đô thị Sing Việt.

Với sự "nhùng nhằng" trên, đến nay dự án này vẫn chỉ là khu đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Biển báo dự án bong tróc, hoen rỉ, toà văn phòng điều hành dự án được dựng lên nhưng máy móc bỏ không, cảnh tượng im lìm.

Xem thêm

Trần Xuân Tình

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.