Vingroup rút, Công viên Sài Gòn Safari tìm nhà đầu tư mới
Trong danh sách 210 dự án tại TP HCM kêu gọi đầu tư đợt này có dự án Công viên Sài Gòn Safari, thuộc trong danh mục 14 dự án ở lĩnh vực Du lịch – giải trí.
TP HCM kêu gọi đầu tư 210 dự án, trong đó có 14 dự án thuộc lĩnh vực Du lịch – giải trí với tổng đầu tư 2.710 tỉ đồng. (Ảnh: Hiếu Quân)
14 dự án thuộc lĩnh vực Du lịch – giải trí kêu gọi đầu tư đợt này có tổng nhu cầu vốn đầu tư 2.710 tỉ đồng, tương đương với 123 triệu USD.
Ngoài dự án Công viên Sài Gòn Safari, danh mục 14 dự án này còn có một số cái tên đáng chú ý khác như: Dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị tại lô đất ký hiệu số 7-1 thuộc Khu chức năng số 7 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2; Công viên phía Nam đường Mai Chí Thọ tại lô đất DL-6, quận 2; Khu nhà nghỉ thấp tầng (Khu IV – Khu sinh hoạt văn hóa công viên lịch sử - văn hóa dân tộc)…
Các dự án trong số này đều có tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng (khoảng 100 – 500 tỉ đồng).
Dự án Công viên Sài Gòn Safari đã được TP HCM chấp thuận cho phép CTCP Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup) nghiên cứu đầu tư từ hồi tháng 5/2016.
Theo Báo Phụ nữ, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP HCM mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Tập đoàn Vingroup đã rút khỏi dự án Công viên Sài Gòn Safari để tập trung vào các dự án khác của tập đoàn. Do vậy, dự án Công viên Sài Gòn Safari đã được đưa vào danh sách 210 dự án kêu gọi đầu tư đợt này của TP HCM.
Bà Mai cũng thông tin, sau khi Vingroup rút lui, vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào dự án này. Quỹ đất dự án hiện là đất sạch, đã được UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch 1/2000 nên các nhà đầu tư có thể liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tìm hiểu chi tiết về dự án.
Dự án Công viên Sài Gòn Safari (hay Công viên Thảo Cầm Viên mới) có chủ trương xây dựng từ năm 1996, ban đầu dự kiến đặt tại quận 9 nhưng sau đó đổi địa điểm nghiên cứu thực hiện dự án sang huyện Củ Chi.
Dự án được chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004 với diện tích khoảng 485 ha, nằm tại địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Dự kiến, dự án sẽ trở thành Công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.
Dự án Công viên Sài Gòn Safari diện tích khoảng 485 ha, thuộc huyện Củ Chi. (Ảnh: Tuổi trẻ Online)
Tuy nhiên, thực tế dự án này đã bị "treo" cho đến tận ngày nay.
Trước đó, Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nêu hàng loạt sai phạm tại dự án như: thông tin về dự án Công viên Sài Gòn Safiri chỉ có trong phần thuyết minh mà không có trong danh mục các dự án của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện Củ Chi vào các năm 2008 và 2014; việc duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 Công viên Sài Gòn Safari bị kéo dài; ban đầu thành phố giao Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên làm chủ đầu tư trong khi công ty này không đủ năng lực thực hiện…