Hàng chục doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức và quyền mua: SeABank, VEAM, Tập đoàn Cao su, ...
Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt cổ tức này gồm:
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) dự định trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 6%, tức là cổ đông nắm giữ một cổ phiếu sẽ được nhận 600 đồng. Số cổ phiếu GVR đang lưu hành là 4 tỷ đơn vị, tức là tập đoàn sẽ cần chi khoảng 2.400 tỷ đồng trong đợt cổ tức tới.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) đang nắm giữ tới 96,8% vốn điều lệ của GVR nên sẽ được nhận về 2.323 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày thanh toán lần lượt là 13/10 và 28/10.
Năm 2019, GVR cũng trả cổ tức 600 đồng/cp, năm 2018 là 250 đồng/cp.
Tập đoàn Cao su hiện là một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ phiếu niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Hòa Phát (Mã: HPG), Vinhomes (Mã: VHM) và hai nhà băng là VietinBank (Mã: CTG) và BIDV (Mã: BID).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2021, GVR ghi nhận lãi sau thuế 2.282 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng 171% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu thuần tăng 77% lên hơn 10.500 tỷ đồng.
Nguyên nhân là giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng. Ngoài ra, doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp cũng có cải thiện.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) dự định chào bán 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10,1304%. Giá phát hành là 15.000 đồng/cp, thấp hơn khoảng 61% so với kết phiên 8/10.
Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) là 13/10. Thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu là từ ngày 21/10 đến ngày 10/11/2021.
Chứng khoán đặt mua, cổ phiếu lẻ phân phối cho Công đoàn SeABank Hội sở là loại tự do chuyển nhượng. Cổ phiếu còn dư do cổ đông không đặt mua hết (nếu có) bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Nếu bán hết 100% kế hoạch, SeABank sẽ thu về 2.040 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng từ 13.425 tỷ đồng lên 14.785 tỷ đồng.
Trong tháng 8 năm nay, SeABank đã phát hành 110,24 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 9,12%, đồng thời phát hành 23,5 triệu cổ phiếu ESOP cho 926 người là cán bộ, nhân viên của ngân hàng.
Trong tuần vừa qua, hai nhà băng khác đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức và phát hành tăng vốn là VPBank (Mã: VPB) và Ngân hàng Hàng hải (Mã: MSB).
Cả hai cổ phiếu này đều đi xuống và kéo tụt VN-Index, cho thấy nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với việc nhận cổ tức của các nhà băng.
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã: VEA) dự định trả cổ tức đợt 2/2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 4,62%, tương đương 462 đồng/cp. Với gần 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM sẽ cần chi khoảng 614 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.
Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 12/10 và 15/11. Bộ Công Thương đang kiểm soát 88,5% vốn điều lệ của VEAM nên sẽ nhận về khoảng 543 tỷ đồng.
Trong đợt cổ tức đầu tiên của năm 2020, VEAM đã thanh toán 4.990 đồng/cp. Năm 2019 và 2018, tổng công ty trả cho cổ đông lần lượt 5.253 đồng/cp và 3.884 đồng/cp.