|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc muốn hủy niêm yết chứng khoán tại Mỹ sau 15 năm giao dịch

10:57 | 25/05/2019
Chia sẻ
Trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang lan rộng sang lĩnh vực công nghệ, tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc đã quyết định hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York sau 15 năm gắn bó. Lí do được đưa ra là khối lượng giao dịch thấp và nhiều gánh nặng chi phí.
Nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc muốn hủy niêm yết chứng khoán tại Mỹ sau 15 năm giao dịch - Ảnh 1.

Nhân viên Tập đoàn SMIC tại cơ sở sản xuất ở Bắc Kinh. ẢNH: Imagechina

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) đưa tin, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế - tên viết tắt là SMIC – có trụ sở tại Trung Quốc mới đây cho biết hãng đã gửi thông báo đến Sở Giao dịch chứng khoán New York về ý định nộp đơn vào ngày 3/6 đề nghị hủy niêm yết chứng chỉ lưu kí Mỹ (American depositary receipts ADR) khỏi sàn này .

Trong một văn bản gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong – nơi cổ phiếu SMIC được niêm yết – SMIC viện dẫn lí do muốn hủy niêm yết là thanh khoản ADR quá thấp và chi phí duy trì niêm yết ADR cao, cùng với đó các yêu cầu về chế độ báo cáo và pháp luật liên quan rất khắt khe.

Dự kiến, chứng chỉ lưu kí của SMIC sẽ chính thức hủy niêm yết sau ngày 13/6 và chuyển sang giao dịch tại thị trường phi tập trung (OTC). Theo thông báo của công ty, Hội đồng quản trị SMIC đã thông qua quyết định này nhưng hãng vẫn cần được Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho phép.

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) đã liên lạc với phát ngôn viên của Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) nhưng vị này từ chối đưa ra bình luận.

Chứng chỉ lưu ký (depositary receipts - DR) là một loại chứng khoán được giao dịch ở thị trường chứng khoán nước A (ở đây là Mỹ), nhưng lại lại diện cho quyền sở hữu chứng khoán nước B (ở đây là Trung Quốc).

DR thường được một tổ chức tại nước B có năng lực tài chính mạnh phát hành. Nói cách khác, chứng chỉ lưu ký giúp nhà đầu tư tại nước A có thể đầu tư vào các doanh nghiệp và chứng khoán tại nước B mà không cần phải mở tài khoản đầu tư tại B.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư không gặp vấn đề về luân chuyển tiền tệ, do việc giao dịch được thực hiện tại nội địa nước A, và sử dụng đồng tiền của nước A.

Các nhà đầu tư khá bất ngờ với thông báo này của SMIC. Giá cổ phiếu này đã giảm 27 xu Mỹ xuống còn 5,23 USD/cp vào phiên cuối tuần (24/5), tương đương mức giảm 4,9%. Lúc thấp nhất trong ngày, giá cổ phiếu này chỉ còn 5,11 USD/cp.

Cổ phiếu SMIC niêm yết tại Hong Kong đóng cửa phiên cuối tuần giảm 4,3% xuống còn 8,42 đô la Hong Kong.

Chứng chỉ lưu kí ADR của SMIC đạt khối lượng giao dịch hơn 1 triệu đơn vị trong phiên 24/5, lần đầu tiên chạm mức này kể từ tháng 2/2018.

Một chuyên gia tại một công ty chứng khoán nhận định: "Việc SMIC hủy niêm yết ADR là khá lạ. Các công ty đôi khi chỉ hủy niêm yết ở một sàn này khi đã được chấp thuận niêm yết ở một sàn khác". Vị này đề nghị không nêu tên vì doanh nghiệp của ông có quan hệ làm ăn với SMIC.

SMIC được hậu thuẫn bởi chính phủ Trung Quốc thông qua cổ đông lớn là các doanh nghiệp nhà nước hoặc quĩ đầu tư có liên quan đến nhà nước

Chẳng hạn Quĩ đầu tư Công nghiệp Mạch tích hợp Quốc gia Trung Quốc có sở hữu cổ phần trong SMIC. Quĩ này được chính phủ thành lập năm 2014 để đẩy mạnh phát triển công nghệ nội địa cũng như mua thiết kế và bản quyền từ nước ngoài.

Cổ phiếu SMIC bắt đầu giao dịch tại Hong Kong và Mỹ cùng lúc, vào tháng 3/2004.

Tại Hong Kong, cổ phiếu SMIC đã tăng giá 23% từ đầu năm đến nay trong khi chỉ số tham chiếu chỉ tăng 5,8%. Doanh thu của tập đoàn tăng trưởng 8,3% lên mức 3,36 tỉ USD vào năm 2018.

SMIC cũng có quan hệ làm ăn với hãng sản xuất chip Qualcomm của Mỹ thông qua việc thành lập một công ty liên doanh có trụ sở tại Thượng Hải, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển thiết kế chip thế hệ tiếp theo.

Song Ngọc