|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hàn Quốc tìm cách phá thế độc quyền trong ngành ngân hàng

22:30 | 16/02/2023
Chia sẻ
Cơ quan FSS của Hàn quốc cho biết sẽ tìm kiếm biện pháp tạo ra môi trường cạnh tranh hơn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhằm phá thế độc quyền hiện đang do 5 ngân hàng địa phương nắm giữ.

Theo tờ Korea Times (Hàn Quốc) ngày 15/2, cơ quan Giám sát dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSS) cho biết sẽ tìm kiếm biện pháp tạo ra môi trường cạnh tranh hơn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhằm phá thế độc quyền hiện đang do 5 ngân hàng thương mại địa phương nắm giữ, gồm Shinhan, KB Kookmin, Hana, Woori và NH NongHyup.

Động thái trên được đưa ra sau phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hồi đầu tuần này chỉ trích các ngân hàng địa phương đã dành các khoản tiền thưởng khổng lồ cho nhân viên trong khi người dân đang gặp nhiều khó khăn do gánh nặng lạm phát và lãi suất đi vay tăng cao.

Một ngày sau khi Tổng thống Yoon đưa ra nhận xét trên trong cuộc họp với các thư ký cấp cao, Giám đốc FSS Lee Bok-hyun ngày 14/2 đã triệu tập cuộc họp và phát biểu: “Chúng ta cần xem xét nghiêm túc các biện pháp khác nhau nhằm thúc đẩy môi trường cạnh tranh hơn nữa trong các hoạt động kinh doanh ngân hàng chủ yếu, bao gồm lãi suất tiền gửi và cho vay, để người tiêu dùng tài chính có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng với mức chi phí hợp lý hơn”.

Chủ trì Hội nghị kinh tế dân sinh khẩn cấp lần thứ 13 ngày 15/2, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng nhấn mạnh rằng ngành tài chính có liên quan mật thiết đến sinh kế của người lao động nên tự nguyện chia sẻ gánh nặng với người dân trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao.

Đặc biệt, Tổng thống đã chỉ ra sự cần thiết phải thu hẹp biên độ lãi suất hoặc chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong bối cảnh các ngân hàng bị chỉ trích khi thu lợi nhuận kỷ lục do biên độ lãi suất lớn trong khi lờ đi những khó khăn mà người lao động đang phải trải qua.

Tổng thống Hàn Quốc đề nghị tạo ra môi trường khuyến khích cạnh tranh hơn nữa giữa các tổ chức tài chính, như hạ thấp rào cản giữa các ngành tài chính và công nghệ thông tin.

Với mục tiêu cụ thể nêu trên, FSS chủ trương phá thế độc quyền trong ngành ngân hàng, vốn cho phép những người cho vay thu được lợi nhuận khổng lồ từ lãi suất toàn cầu tăng cao trong khi người dân đang “quay cuồng” với gánh nặng tài chính do lãi suất đi vay tăng cao.

Tính đến năm 2019, trong tổng số 18 ngân hàng trên cả nước, 5 ngân hàng thương mại lớn chiếm khoảng 77% tổng số tài khoản tiền gửi bằng đồng won. Theo đó, mỗi ngân hàng trong số 5 ngân hàng lớn chiếm khoảng 15-16% thị phần của ngành. Trong lĩnh vực cho vay tài chính, 5 ngân hàng lớn cũng chiếm tới 67% thị phần, tạo thành một thế độc quyền thực sự.

Theo đánh giá của FSS, các ngân hàng lớn không thấy nhu cầu phải hạ lãi suất cho vay do sự thống trị thực tế đối với thị trường.

Một quan chức của FSS cho biết: “Vấn đề chênh lệch lãi suất huy động và cho vay hiện nay có thể được giảm thiểu khi có nhiều ngân hàng hơn được phép tham gia thị trường với tư cách là đối thủ cạnh tranh. Với quan điểm cạnh tranh công bằng sẽ mang lại giá trị thị trường hiệu quả, FSS hiện đang cân nhắc nhiều biện pháp khác nhau để tạo ra môi trường cạnh tranh hơn trong lĩnh vực này”.

Cơ quan giám sát tài chính được cho là đang xem xét các mô hình cạnh tranh ở nước ngoài. Ví dụ, Vương quốc Anh đã tạo ra môi trường cạnh tranh hơn trong ngành ngân hàng bằng cách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp cho vay trong nước, qua đó mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngân hàng.

Các chuyên gia theo dõi thị trường kỳ vọng rằng FSS sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong nước để tạo ra môi trường cạnh tranh hơn giữa các ngân hàng cho vay. FSS cũng được cho là sẽ “chia nhỏ” các giấy phép ngân hàng, theo cách mà cơ quan quản lý tài chính đưa ra là cấp phép riêng biệt cho từng hoạt động kinh doanh ngân hàng, cho phép nhiều đối tượng hơn được tham gia thị trường.

Đức Hưng