Hàn Quốc: Chính trường rúng động, đầu tàu kinh tế trong bão tố
Phó Chủ tịch Lee Jae-yong, người hiện đang điều hành tập đoàn Samsung, giữa vòng vây truyền thông khi bị các công tố viên triệu đến thẩm vấn hôm 12/1. Ảnh: Financial Times
Hôm 16/1, các công tố viên đã xin tòa lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo, cũng là người thừa kế tập đoàn, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong với cáo buộc ông này đã hối lộ hàng chục tỉ won cho các quỹ và công ty do bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye, bà Choi Soon-sil điều hành, để đổi lại những ưu đãi chính trị.
Các cáo buộc được đưa ra đúng khoảng thời gian đầy sóng gió với Samsung, khi tập đoàn đang vật lộn với một số ngành kinh doanh chủ lực cũng như nỗ lực gây dựng một văn hóa điều hành mới, xóa dần điều tiếng về lối điều hành "gia đình trị" không phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế. Mới năm ngoái, sản phẩm điện thoại thông minh danh tiếng Galaxy Note 7 dính sự cố cháy nổ đã buộc Samsung phải tổ chức một chiến dịch thu hồi khổng lồ, vô cùng tốn kém cả về kinh tế lẫn tổn hại thanh danh trong lúc phải cạnh tranh khốc liệt với đối thủ Apple.
Theo New York Times, cuộc khủng hoảng hiện tại không chỉ gây khó khăn cho Samsung, mà được giới phân tích đánh giá là còn ảnh hưởng tới cả nền dân chủ tương đối non trẻ của Hàn Quốc. Một trong những công ty quan trọng nhất đất nước này có thể bị tổn thương, còn vai trò lãnh đạo đất nước thì đang rơi vào cảnh xáo trộn.
Cuộc khủng hoảng hối lộ đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông những ngày này tại Hàn Quốc, nơi mà Samsung và các "chaebol" (đế chế công nghiệp gia đình) đã trở thành những biểu tượng nhận diện quốc gia nhưng lại đang dính sâu vào chính trường. Chỉ riêng Samsung đã đóng góp tới khoảng 20% xuất khẩu của Hàn Quốc.
Choi Soon-il (giữa), bạn của Tổng thống Park Geun-hye là một trong những nhân vật trung tâm của bê bối chính trường Hàn Quốc hiện nay. Ảnh: Korea Times
Các công tố viên cho rằng Samsung đã chi những khoản tiền khổng lồ để đổi lấy việc Cơ quan Hưu trí Quốc gia (thuộc Chính phủ) ủng hộ sáp nhập hai công ty con của tập đoàn hồi năm 2015. Cuộc sáp nhập này được cho là giúp ông Lee Jae-yong tiếp quản trọn vẹn và êm thấm quyền điều hành tập đoàn từ tay người cha, Lee Kun-hee.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 16/1, Samsung đã bác bỏ bất cứ hành vi hối lộ nào cũng như việc “đưa ra những yêu cầu liên quan đến việc sáp nhập chi nhánh của Samsung hoặc chuyển giao quyền lãnh đạo”. Tuy vậy, động thái của các công tố viên đã cho thấy nỗ lực phơi bày đến cùng vụ việc dựa trên cơ sở tôn trọng pháp luật, bất chấp những ảnh hưởng đã được tiên báo của một vụ bắt giữ như vậy đối với nền kinh tế Hàn Quốc.
Vụ việc cũng dấy lên những nghi vấn về cam kết của ông Lee Jae-yong trong việc đưa Samsung trở nên minh bạch hơn, phản ứng lẹ hơn với các cổ đông. “Đằng sau vụ bắt giữ là cú giáng mạnh vào chương trình cải cách mà họ đang xây dựng” - Geoffrey Cain, tác giả của cuốn sách sắp ra mắt về Samsung nhận xét - “Thật khó để thuyết phục các cổ đông và đối tác rằng Samsung là một công ty phong cách Thung lũng Silicon khi mà những cáo buộc này cho thấy họ vẫn đang được điều hành giống như một triều đại phong kiến”.
Tuy vậy, Samsung vẫn đang hoạt động hiệu quả với một loạt các công ty con, mỗi công ty có bộ máy điều hành và nhân sự riêng. Samsung Electronics, công ty con quan trọng nhất của Samsung, được chia thành các đơn vị kinh doanh có chức năng cao. Do đó, các nhà quan sát nhận định, Samsung sẽ vẫn hoạt động trơn tru trong trường hợp thiếu vắng ông Lee, duy chỉ những vấn đề quan trọng đòi hỏi sự phê chuẩn của nhà lãnh đạo này thì có thể bị trì hoãn.
Số phận của 'người thừa kế' Samsung
Vai trò của ông Lee Jae-yong tại Samsung cũng không nhất thiết sẽ gặp nguy hiểm. Hàn Quốc vốn có nhiều tiền lệ về việc những vụ lùm xùm với lãnh đạo các "chaebol" danh tiếng thường kết thúc khá "nhẹ nhàng" bằng lời xin lỗi. Do ảnh hưởng, quy mô quá lớn của Samsung, những nỗ lực trước đây nhằm trừng phạt công ty hay các lãnh đạo của họ đều đối mặt với những lo ngại về ảnh hưởng đối với nền kinh tế xứ Hàn. Năm 2009, cha của Lee Jae-yong, Chủ tịch Lee Kun-hee từng bị kết án 3 năm tù nhưng hưởng án treo vì tội trốn thuế. Ông này vẫn giữ chức Chủ tịch tập đoàn cho đến tận ngày nay, dù đã không còn nắm thực quyền sau cơn đau tim hồi năm 2014.
Lee Jae-yong (thường được phương Tây gọi là Jay Y. Lee) là nhân vật thuộc thế hệ lãnh đạo thứ ba của gia đình Lee trong tập đoàn Samsung. Trong khi cha của ông thường được xem là người có phong cách khá “cổ hủ”, ông Lee lại được biết đến là nhân vật dễ chịu tại Thung lũng Silicon cũng như trong phòng họp chóp bu của tập đoàn - một nhà lãnh đạo có thể mở cửa tập đoàn mang tính “thị tộc” này và tiếp thêm động lực cho danh tiếng hàng đầu của Samsung trong việc đổi mới công nghệ phục vụ người tiêu dùng.
Một dây chuyền lắp ráp điện thoại và máy tính bảng tại Samsung Electronics. Ảnh: businesstoday
Ở tuổi 48, với chức danh chính thức là Phó Chủ tịch Samsung nhưng Lee Jae-yong được biết đến là người lãnh đạo thực quyền của tập đoàn. Ông "Lee cha" đã lãnh đạo Samsung từ một nhà cung cấp linh kiện trở thành nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng, thiết lập một thương hiệu nổi danh toàn cầu sản xuất hàng hóa chất lượng tốt với giá cả phải chăng. Hai thập niên trước, ông từng thu gom 150.000 điện thoại Samsung chưa vượt qua các thử nghiệm chất lượng rồi thẳng tay tiêu hủy.
Dưới thời "Lee con", Samsung hiện tập trung trở lại vào lĩnh vực sản xuất linh kiện. Cuối năm ngoái, Samsung đã giành được hợp đồng trị giá 8 tỉ USD mua công ty Harman International của Mỹ để chế tạo linh kiện thông minh cho xe hơi.
Ông Lee Jae-yong cũng đã cam kết tiến hành các cải cách nhằm đảm bảo hoạt động điều hành Samsung đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Là một tập đoàn điều hành theo chế độ gia đình trị, với sự liên kết dày đặc giữa các đơn vị, Samsung hoạt động dựa trên một cấu trúc bị nhiều nhà đầu tư quốc tế chỉ trích.
Samsung cũng đã nhấn mạnh cam kết thay đổi văn hóa công ty nhằm thúc đẩy hơn nữa môi trường sáng tạo và khởi nghiệp. Và ông Lee được coi là một phần trong công cuộc chuyển đổi này. Tại Samsung, ông từng ghi dấu ấn với các cuộc thương lượng một thỏa thuận quan trọng với Steve Jobs để tham gia sản xuất máy nghe nhạc Apple iPod.
Tuy nhiên, những lùm xùm pháp lý mà ông Lee Jae-yong đang đối mặt có thể ảnh hưởng tới những quyết định chiến lược của tập đoàn trong thời kỳ nhiều thách thức lớn như hiện nay, chẳng hạn như khôi phục sức bật sau cuộc "khủng hoảng cháy nổ" Galaxy Note 7.