|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hạn ngạch ưu đãi thuế quan 80.000 tấn/năm cho gạo Việt xuất sang EU: Ít hay nhiều?

17:53 | 09/09/2020
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp cho rằng 80.000 tấn/năm là bé cũng đúng mà không bé cũng đúng. Nếu so sánh với tổng khối lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn thì con số 80.000 tấn nhỏ. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của EU thì con số 80.000 tấn lại lớn.

Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8, mở ra cơ hội lớn cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung, trong đó có gạo. Theo đó,  EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng thuế quan ưu đãi. 

Một số ý kiến cho rằng con số 80.000 tấn khá nhỏ so với lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam. 

Tuy nhiên, một số khác cho rằng con số 80.000 tấn không hề nhỏ, thậm chí còn có thể "dư" trong năm nay.

Hạn ngạch 80.000 tấn/năm vừa lớn vừa nhỏ

Trao đổi với người viết ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng 80.000 tấn là bé cũng đúng mà không bé cũng đúng. Nếu so sánh với tổng khối lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn thì con số 80.000 tấn nhỏ. 

Tuy nhiên, 80.000 tấn gạo xuất khẩu sang thị trường châu Âu khác so với các loại gạo Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn sang các thị trường khác bởi tiêu chuẩn ở thị trường này rất khắt khe.

“80.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu nói thì nhỏ nhưng chưa chắc trong năm 2020, Việt Nam đã sử dụng hết hạn ngạch này. Nếu mà không xuất khẩu hết thì con số 80.000 tấn kia lại là lớn chứ không hề nhỏ”, ông Bình nhận định. 

Ông Bình đánh giá lượng gạo EU tiêu thụ không hề nhỏ bởi mỗi năm thị trường này nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn. 

“Nếu so với nhu cầu 2 triệu tấn/năm thì hạn ngạch 80.000 tấn khá ít. Do đó, Việt Nam cần thay đổi chất lượng, nhất là khâu vệ sinh an toàn thực phẩm. Châu Âu chắc chắn không dừng lại ở mức 80.000 tấn, ”, ông Bình nhận định.

Trong tháng 8, công ty của ông Bình là doanh nghiệp kí hợp đồng gạo đầu tiên với EU với mức thuế suất ưu đãi từ hiệp định EVFTA với khối lượng 3.000 tấn.

Theo Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. 

Trước đó, bên lề cuộc họp báo về xuất khẩu gạo thơm sang EU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cũng cho rằng: “Tuy 30.000 tấn gạo thơm chưa lớn, nhưng nếu kiểm soát tốt về chất lượng và người dân EU tiếp nhận, đánh giá cao, tôi tin rằng mức hạn ngạch sẽ được nâng lên trong thời gian tới”.

Điều này có nghĩa, hạn ngạch gạo được hưởng ưu đãi thuế 80.000 tấn/năm khi xuất sang EU vẫn còn có cơ hội được mở rộng.

Hạn ngạch ưu đãi thuế quan 80.000 tấn/năm cho gạo Việt xuất sang EU: Ít hay nhiều? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh. Ảnh: Đức Quỳnh

Ngoài 80.000 tấn gạo trên, EU tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. 

Điều cần thiết là xây dựng thương hiệu gạo

Theo ông Bình một trong những vấn đề đau đầu của gạo Việt đó chính là thương hiệu vẫn chưa được nhiều người biết đến mặc dù chất lượng ngon hơn so với các đối thủ. 

"Người ta đồn đoán người EU thích ăn gạo Campuchia, Thái Lan bởi thương hiệu của họ đã khá mạnh tại thị trường này. Thương hiệu gạo của Việt Nam kém chứ thực ra chất lượng không thua gạo Campuchia, Thái Lan.

Từ trước đến nay, gạo Việt Nam dù ngon hơn gạo Thái Lan, Campuchia nhưng giá chỉ bán được 800 - 900 USD/tấn. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Campuchia bán được 1.1000 - 1.200 USD/tấn? Đó chính là vấn đề thương hiệu”, ông Bình nói.

Cũng Theo đại diện công ty Trung An, trước đây, gạo Việt Nam bán cho doanh nghiệp nhập khẩu của EU không được ghi nhãn mác của công ty khẩu khẩu. Thay vào đó, doanh nghiệp nhập khẩu bên EU sẽ dùng nhãn mác của họ.

Doanh nghiệp Việt Nam vì muốn bán được hàng buộc phải chấp nhận điều này.

Về vấn đè này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết việc xây dựng thương hiệu gạo rất cần thiết. Việt Nam đã có thương hiệu gạo quốc gia, từng doanh nghiệp và địa phương cần đẩy mạnh thương hiệu của riêng mình làm sao sản phẩm của chính mình trên thế giới liên tục và bền vững hơn. 

Ông Bình cho rằng để xây dựng thương hiệu, điều cần làm đầu tiên là gạo Việt nhất thiết phải có bao bì nhãn mác của Việt Nam chứ không phải đơn vị nhập khẩu.

“Gạo của Trung An xuất sang châu Âu có bao bì của chính công ty chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung nhiều vào chất lượng gạo, quản lí chặt chẽ ngay từ đồng ruộng”, ông Bình nói.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ngành lúa gạo Việt Nam đảm bảo hai vấn đề là đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt và diện tích đất trồng lúa thu hẹp. 

Do đó, vẫn phải có chiến lược đảm bảo năng suất lúa gạo vốn đang rất tốt và nâng cao giá trị để có giá cao hơn. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí sản xuất để người dân có lãi. 

Chúng ta có những chủng loại gạo khác nhau để phù hợp phân khúc thị trường khác nhau như gạo chế biến, gạo dài, gạo thơm… Do đó, đây cũng có thể coi là thế mạnh của gạo Việt.

H.Mĩ