|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai thái cực trong chuỗi bán lẻ dược phẩm: Long Châu tăng tốc, An Khang tạm dừng

14:14 | 29/03/2023
Chia sẻ
Long Châu và An Khang, hai trong số những chuỗi bán lẻ dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam đã có những kế hoạch dự tính có phần trái ngược nhau trong năm 2023.

Long Châu tăng độ phủ

Mới đây, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, trong đó có giới thiệu về một số kế hoạch hành động cụ thể với chuỗi bán lẻ nhà thuốc Long Châu.

Theo đó, FPT Retail cho biết sau 5 năm hoạt động, Long Châu đã đạt được những thành công nhất định, trở thành một trong những chuỗi bán lẻ nhà thuốc hàng đầu tại Việt Nam.

Với mục tiêu tiếp tục vươn xa và tăng nhận diện về độ phủ, FPT Retail cho biết Long Châu dự kiến mở thêm 400 nhà thuốc trong năm nay, qua đó nâng tổng số lượng nhà thuốc tại cuối năm 2023 dự kiến từ 1.400 đến 1.500 nhà thuốc.

Ngoài ra, đơn vị cũng đặt mục tiêu tập trung để khẳng định vị thế là nhà thuốc số một Việt Nam về thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn. Bên cạnh đó, Long Châu cũng sẽ đưa vào các dịch vụ cộng thêm, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm đưa đến cho khách hàng những trải nghiệm mới.

Bên cạnh các kế hoạch chi tiết, FPT Retail cũng dự kiến sẽ tập trung tối ưu hóa dòng tiền, đảm bảo thanh khoản cho công ty cũng như đáp ứng nguồn vốn cho việc mở rộng chuỗi Long Châu.

Trước đó, tính đến cuối năm 2022, Long Châu có tổng cộng 937 cửa hàng thuốc có doanh thu trên khắp cả nước, đồng nghĩa với việc đơn vị này đã mở mới 537 nhà thuốc trong cả năm ngoái, vượt kế hoạch mở mới đề ra đầu năm 2022.

Năm ngoái, chuỗi Long Châu đạt doanh thu 9.596 tỷ đồng, tăng 141% so với năm 2021 và đóng góp 32% vào tổng doanh thu của FPT Retail trong cả năm. Nhìn rộng ra, cả doanh thu và tỷ lệ đóng góp vào tổng doanh thu của FPT Retail của chuỗi Long Châu đã liên tục được mở rộng trong vài năm qua.

Chẳng hạn, năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, doanh thu cả năm của chuỗi Long Châu chỉ là 1.191 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% tổng doanh thu cả năm của FPT Retail. Tới năm 2021, doanh thu của Long Châu đã cải thiện, đạt mức 3.977 tỷ đồng, tăng 234% so với năm 2020 và đã chiếm khoảng 18% tổng doanh thu của FPT Reatil trong năm.

Doanh thu của chuỗi Long Châu được cải thiện trong những năm gần đây. (Nguồn: FPT Retail - Doanh Chính tổng hợp).

Ngoài ra, tốc độ mở mới của chuỗi Long Châu cũng là điểm đáng chú ý. Từ con số chỉ 200 cửa hàng trải rộng trên 43 tỉnh/thành phố khắp cả nước vào cuối năm 2020, số lượng cửa hàng Long Châu đã cán mốc 937 cửa hàng với độ phủ khắp 63 tỉnh/thành phố trên cả nước vào cuối năm 2022.

Điều này đồng nghĩa với việc đơn vị đã mở mới tới hơn 700 cửa hàng chỉ trong vòng hai năm. Nếu duy trì tốc độ mở mới này, Long Châu cũng có khả năng đạt được mục tiêu mở mới 400 cửa hàng trong năm 2023.

Trong năm 2023, FPT Retail cho biết với các mặt hàng dược phẩm, dù có những mặt hàng thiết yếu, song dự kiến xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách hàng có thể ảnh hưởng đến mảng kinh doanh này. Dù vậy, FPT Retail vẫn dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số về doanh thu cho mảng này.

An Khang tạm dừng mở chuỗi

Trái với Long Châu, một đơn vị bán lẻ dược phẩm có tiếng khác trên thị trường là An Khang, thuộc hệ sinh thái của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) lại có khả năng không đặt mục tiêu mở mới với số lượng lớn như vậy trong năm 2023.

Thậm chí, theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Thế Giới Di Động, định hướng của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong năm 2023 về chuỗi An Khang sẽ tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ lại những cửa hàng có lợi nhuận dương. Sự tập trung trong năm 2023 của Thế Giới Di Động với An Khang sẽ là tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành nhằm cải thiện hiệu quả và giảm lỗ.

Điều này trái ngược với những gì mà ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, đồng thời cũng là người phụ trách chuỗi An Khang từng chia sẻ.

Theo đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em từng nói về tham vọng với chuỗi An Khang: "Nếu tốc độ mở rộng như chúng tôi đang tiến hành hiện tại, công ty dự kiến đến năm 2023, An Khang sẽ có 2.000 cửa hàng, tự tin đứng số một thị trường về quy mô lẫn doanh thu".

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của Thế Giới Di Động, tính đến cuối năm ngoái, có tổng cộng 500 nhà thuốc An Khang đang hoạt động trên thị trường, mang lại doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng cho MWG. Tuy nhiên, xét về tỷ lệ đóng góp, doanh thu của chuỗi An Khang chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động trong năm 2022.

Tốc độ mở chuỗi của hai chuỗi An Khang và Long Châu giai đoạn 2018 - 2023. (Ngồn: MWG, FPT Retail, SSI - Doanh Chính tổng hợp).

Tốc độ mở chuỗi trong cùng giai đoạn của An Khang so với Long Châu cũng không có tốc độ tương ứng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, chuỗi An Khang có tổng cộng 68 cửa hàng trên cả nước, cuối năm 2021 là 178 cửa hàng. Như vậy, trong vòng hai năm, An Khang đã mở mới 481 cửa hàng, chưa bằng số lượng cửa hàng mà Long Châu mở mới chỉ trong năm 2021.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em từng có thời điểm chia sẻ rằng biên lợi nhuận gộp của An Khang đang ở mức 20%, song việc dồn tiền đầu tư tăng tốc mở rộng cửa hàng, xây dựng thương hiệu nhà thuốc đã "ngốn" rất nhiều tiền của chuỗi. 

CEO Thế Giới Di Động đã trấn an cổ đông rằng công ty sẽ có sự điều chỉnh lại khi An Khang đạt mục tiêu mở rộng quy mô, phục vụ việc kinh doanh có lời, tiến tới đạt điểm hòa vốn.

Doanh Chính