|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai sắc thái đối lập trong các siêu thị tại TP HCM trước và trong giãn cách

08:35 | 11/07/2021
Chia sẻ
Hình ảnh tại các siêu thị TP HCM đối lập hoàn toàn chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, từ chen lấn trữ hàng, đến nay thịt cá, rau củ quả đã lên kệ đầy ắp.

Ghi nhận của chúng tôi vào trưa 9/7 và 10/7, hàng hoá tại nhiều hệ thống siêu thị TP HCM đầy ắp, nhất là thực phẩm tươi sống với giá bình ổn. Tại VinMart Võ Văn Ngân (Bình Thọ, TP Thủ Đức), khách hàng ghé siêu thị không quá đông, mọi người đều chậm rãi chọn sản phẩm và giữ khoảng cách an toàn. 

Tại khu vực rau củ quả, hàng hoá lên kệ đầy đủ, nhân viên túc trực quanh các kệ hàng nhầm bổ sung thêm rau củ liên tục. Quầy thịt heo cũng trưng lên nhiều khay thịt cắt sẵn tiện dụng. Sức cầu của khách hàng không quá nhiều, dù thế nhân viên vẫn châm hàng liên tiếp.

Hình ảnh đối lập tại siêu thị TP HCM trước và trong giãn cách - Ảnh 1.

Thực phẩm tươi sống lên kệ đầy đủ tại các siêu thị. (Ảnh: Y Khải).

Tại Co.op Xtra Linh Trung (TP Thủ Đức), vào những khung giờ cao điểm, khách hàng ghé siêu thị có tăng nhưng không ghi nhận đột biến như những ngày trước. Các quầy hàng thịt heo, thuỷ sản, rau củ quả luôn có khoảng 10 nhân viên phục vụ, chia ra mọi khâu từ châm hàng, sắp xếp hàng hoá, sơ chế, cân sản phẩm… để đáp ứng kịp nhu cầu của khách.

Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng tại TP HCM có nhiều thay đổi đột ngột. Từ việc chen chúc, thậm chí giành giật nhau gom thực phẩm để trữ hàng càng nhiều càng tốt, đến nay người dân đã từ tốn mua sắm tại các siêu thị. Từ cảnh thịt cá, rau củ lên kệ không kịp bán, đến nay các siêu thị đã đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hoá cho người dân.

Đại diện siêu thị Co.op Xtra Linh Trung cho biết, hai ngày trước lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có hiệu lực, lượng khách ghé siêu thị tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với ngày thường, đạt 5.000-6.000 khách mỗi ngày. Đến 9/7, ngày đầu giãn cách xã hội, lượng khách ghé siêu thị bắt đầu trở về mức thấp. Thay vào đó, lượng đơn đặt hàng online những ngày gần đây tăng lên 300-400 đơn, gần gấp đôi so với ngày thường.

Hình ảnh đối lập tại siêu thị TP HCM trước và trong giãn cách - Ảnh 2.

Nhân viên siêu thị sơ chế rau củ quả liên tục để phục vụ khách hàng. (Ảnh: Y Khải).

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, nhiều khách hàng cho biết hôm nay mới ghé siêu thị sau 4 ngày chứng kiến nhiều người đổ xô mua sắm. Anh Bảo Linh (TP Thủ Đức) những ngày trước ở yên trong nhà, không dự trữ thực phẩm như nhiều người vì cảm thấy không cần thiết. "Đúng như tôi dự đoán, hiện giờ hàng hoá luôn đầy ắp, người ghé siêu thị cũng thưa hơn", anh Linh nhận xét.

Không chỉ Bảo Linh, nhiều người chọn mua thịt heo, rau củ và trái cây đủ dùng trong vài ngày tới chứ không mua với số lượng lớn. Nhiều khách hàng cho biết sắp tới sẽ đặt hàng online từ hệ thống siêu thị để hạn chế ra đường, tuân thủ lệnh giãn cách. Đại diện Saigon Co.op xác nhận, khách hàng đang dần chuyển sang kênh online. Các siêu thị lớn ghi nhận 1.000-2.000 đơn đặt hàng mỗi ngày, các siêu thị nhỏ dao động 400-700 đơn hàng.

Hình ảnh đối lập tại siêu thị TP HCM trước và trong giãn cách - Ảnh 3.

Người tiêu dùng bắt đầu không mua hàng với số lượng lớn để tích trữ. (Ảnh: Y Khải).

Bức tranh đối lập trên kệ hàng của các siêu thị phần nào cũng thể hiện, các đơn vị bán lẻ hoạt động tại TP HCM vẫn chưa tối ưu năng lực phục vụ khách hàng khi nhu cầu gia tăng đột biến. Hôm 8/7, lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM khẳng định, thành phố không thiếu hàng, nguồn thực phẩm dự trữ toàn thành lên tới 120.000 tấn, hiện tăng gấp 3 lần so với thông thường.

Tuy nhiên, khi sức mua của người dân tăng, đặc biệt với hàng thực phẩm, rau củ quả tươi quá lớn, các siêu thị bắt đầu gặp khó trong việc phân phối hàng hoá. Nhiều đơn vị đã hoạt động hết công suất, liên tục đưa hàng lên kệ nhưng vẫn không đủ bán.

Mặt khác, vướng mắc trong khâu phân phối hàng hoá đến các kệ hàng còn nằm ở việc lưu thông từ các kho hàng nằm ngoài TP HCM vào thành phố đang gặp khó khăn. Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM trong ngày 8/7, tổng lượng hàng về thành phố đạt 2.100 tấn, giảm hơn 34% so với ngày trước đó. 

Đại diện các hệ thống siêu thị mua hàng trực tiếp từ nông trại, hợp tác xã để phân phối cho biết, việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào thành phố đang khiến chuỗi cung ứng chậm lại và tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp.

Hình ảnh đối lập tại siêu thị TP HCM trước và trong giãn cách - Ảnh 4.

Người dân xếp hàng dài trước cửa siêu thị Co.op Mart Xa lộ Hà Nội sáng 8/7. (Ảnh: Y Khải).

Đến nay, khi sức cầu giảm, nhiều đơn vị đã có thời gian và điều kiện tối ưu công tác phân phối hàng hoá. Đại diện Saigon Co.op cho biết, lượng hàng hoá trong những ngày qua đã tăng gấp 3-5 lần so với ngày thường. 

Hiện đơn vị này đang triển khai 25 kho lưu động vệ tinh khăp TP HCM giúp hàng hoá được phân phối đồng đều, lượng hàng lên kệ nhiều hơn. Từ hôm 8/7, trung tâm phân phối cũng tăng cường chuyến xe để kịp thời phục vụ tại các siêu thị.

Tập đoàn Central Retail, đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Tops Market cũng cho biết, các điểm kinh doanh tại khu vực TP HCM sẽ được tăng cường các mặt hàng thịt tươi lên gấp 7 lần, đạt khoảng 70 tấn mỗi ngày. Với rau củ quả, đơn vị này cung ứng khoảng hơn 100 tấn mỗi ngày. Chuỗi siêu thị Tops Market cũng đang dự trữ các mặt hàng FMCG trong kho đủ phục vụ khách hàng trên 30 ngày, tương đương 1.800 tấn, tăng 30% so với thông thường.

Y Khải