|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hai huyền thoại Phố Wall tự thấy bẽ mặt vì lỡ chuyến tàu hồi phục của chứng khoán Mỹ

14:21 | 15/06/2020
Chia sẻ
Hai tỉ phú Stanley Druckenmiller và Paul Tudor Jones từng bày tỏ sự ngờ vực về sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ từ cuối tháng 3. Nhưng gần đây hai ông đã phải thay đổi quan điểm và thừa nhận đã sai lầm.
Hai nhà đầu tư huyền thoại 'bị bẽ mặt' vì chứng khoán Mỹ đi lên quá mạnh mẽ - Ảnh 1.

Ông Stanley Druckenmiller (trái) và Paul Tudor Jones (phải). Ảnh: CNBC

Hiếm nhà đầu tư nào có kinh nghiệm dày dặn và sự nghiệp lừng lẫy như hai tỉ phú Stanley Druckenmiller và Paul Tudor Jones. Một điều hiếm thấy hơn nữa là trong cùng một tuần, cả hai nhà đầu tư này đều tự nhận mình đã "bị bẽ mặt" bởi những gì họ chứng kiến trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Theo CNBC, cả hai ông Druckenmiller và Jones đều cảm thấy bối rối trước sự đi lên của chỉ số S&P 500 kể từ tháng 3. Và hai người đều phải tự hỏi làm thế nào mà chứng khoán Mỹ có thể hồi phục mạnh mẽ đến vậy trong bối cảnh đại dịch toàn cầu và bất ổn xã hội.

Bất chấp cú lao dốc hôm 11/6, chỉ số S&P 500 vẫn cao hơn 38% so với mức đáy hồi tháng 3.

Các nhà đầu tư huyền thoại của Phố Wall giờ lại nói rằng sự kết hợp của biện pháp kích thích tiền tệ và tài chính lịch sử có vẻ như đã xoa dịu thị trường theo cách mà họ chưa từng thấy trước đây.

Hai nhà đầu tư huyền thoại 'bị bẽ mặt' vì chứng khoán Mỹ đi lên quá mạnh mẽ - Ảnh 2.

Tỉ phú Druckenmiller chia sẻ với CNBC: "Tôi đã nhiều lần bị bẽ mặt trong sự nghiệp của mình, và tôi tin rằng tôi sẽ còn nhiều lần phải nếm trải cảm giác đó trong tương lai. Và ba tuần gần đây nhất là một trong những lần như vậy".

Mới giữa tháng 5, ông Druckenmiller vẫn còn nghĩ rằng thị trường đang bị định giá quá cao. Và ông Jones cũng bày tỏ sự ngờ vực về thị trường chứng khoán. Cả hai người đều không thuộc kiểu người thay đổi ý kiến tùy hứng.

Ông Jones nổi danh trong Phố Wall nhờ vào việc dự đoán đúng sự kiện "Ngày thứ Hai đen tối" năm 1987. Ông cũng thu được lời lớn nhờ khi đặt cược vào sự đi xuống của thị trường trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Vị tỉ phú này đã gầy dựng được khối tài sản khổng lồ nhờ vào việc giữ vững lập trường của mình.

Tỉ phú đầu tư Druckenmiller cũng không phải là người sợ đi ngược với đám đông nếu cảm thấy tin chắc vào một thương vụ tốt. Thương vụ bán khống đồng bảng Anh vào năm 1992 của ông đã giúp Quĩ Quantum Fund của George Soros thu về 1 tỉ USD lợi nhuận.

Vậy nên khi ông Druckenmiller nói rằng mình cảm thấy "bẽ mặt" trước sự hồi phục của thị trường và chỉ đạt được tỉ suất lợi nhuận 3% kể từ mức đáy hồi tháng 3, nhiều nhà đầu tư sẽ phải chú ý.

"Fed có ở khắp nơi"

Rất khó để lí giải việc chứng khoán tăng mạnh kể từ tháng 3, nhưng ông Jones và Druckenmiller cho rằng gần như chắc chắn nguyên nhân có liên quan đến Washington.

Hồi tháng 3, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật trị giá 2.200 tỉ USD để giải cứu nền kinh tế Mỹ. Nhưng bất kể đạo luật này hữu ích đến đâu cho người dân và doanh nghiệp Mỹ, các nhà đầu tư vẫn dành sự tung hô lớn hơn cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Xuyên suốt từ tháng 3 cho đến tháng 4, Fed đã tung ra nhiều chương trình cho vay để cung cấp càng nhiều thanh khoản cho thị trường tín dụng càng tốt.

Hai nhà đầu tư huyền thoại 'bị bẽ mặt' vì chứng khoán Mỹ đi lên quá mạnh mẽ - Ảnh 3.

Bà Quincy Krosby, chuyên gia đầu tư của Prudential Financial cho biết phản ứng chưa từng có tiền lệ của Fed đã cung cấp cho thị trường hàng nghìn tỉ USD và sự hỗ trợ vững chắc nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Bà Krosby nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC: "Bảng cân đối kế toán của Fed hồi tháng 12/2008 là gần 880 tỉ USD. Sau khi họ tung ra các chương trình kích thích trong cuộc Đại Suy thoái, con số này tăng vọt lên 4.500 tỉ USD. Lần này, chỉ trong một khoảng thời gian cực kì ngắn, qui mô bảng cân đối đã vượt quá 7.000 tỉ USD".

Bên cạnh việc mở rộng bảng cân đối kế toán và mua thêm tài sản tài chính, Fed cũng đã công bố chương trình cho vay trị giá 2.300 tỉ USD cho các ngân hàng và Chương trình Cho vay Phố Main trị giá 600 tỉ USD dành cho các công ty qui mô vừa.

Fed cũng sẽ mở rộng các kế hoạch hỗ trợ cho vay dành cho những doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ bằng cách hậu thuẫn cho những trái phiếu rủi ro đã rơi xuống khỏi hạng đầu tư.

Bà Krosby nói: "Fed đã hành động cực kì nhanh chóng tới mọi ngách ngạch của thị trường nhằm ổn định tình hình tài chính. Fed có ở khắp nơi. Và Fed cũng nói rõ rằng họ sẽ không dừng lại".

Triển vọng vẫn chưa rõ ràng?

Bà Krosby lưu ý rằng dù thị trường vẫn đang hưng phấn trước sự chống lưng của Fed, dữ liệu kinh tế gần đây đang bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sự cải thiện.

Báo cáo việc làm tháng 5 tích cực hơn nhiều so với dự đoán cũng đã giúp chứng khoán tăng điểm và mang lại hi vọng cho triển vọng kinh tế năm 2020. Nhưng các nhà kinh tế và chính trị gia đều cảnh báo rằng các náo động do COVID-19 gây ra sẽ không nhanh chóng biến mất.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez nói: "Tôi hạnh phúc khi thấy chúng ta có một báo cáo việc làm tốt… nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định chiến thắng".

Những bất ổn này đã nổi rõ vào phiên giao dịch 11/5 khi chỉ số chỉ số Down Jones sụt hơn 1.800 điểm và chỉ số S&P 500 giảm 5,9% sau khi có thông tin về số ca nhiễm COVID-19 mới tăng nhanh tại một số bang vừa mở cửa trở lại.

Thượng nghị sĩ Menendez nói: "Tôi hiểu vì sao mọi người cảm thấy khác so với trước đây. Năm 2009, dự luật kích thích có trị giá chưa đến 1.000 tỉ USD, chỉ bằng 1/3 so với số tiền chúng ta đã đổ vào nền kinh tế từ tháng 3".

Nhưng ông vẫn cho rằng chính phủ phải tăng cường hỗ trợ cho các bang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và phải ban hành lệnh đóng cửa doanh nghiệp nghiêm ngặt để ngăn cản sự lây nhiễm.

"Tôi có đủ dữ liệu để chứng minh có những thứ đang lao đến mà chúng ta cần phải giải quyết. Tôi mong rằng mọi người sẽ hiểu được tính cấp bách của thời điểm hiện tại. Tháng 7 sẽ có vai trò mấu chốt trong việc xác định làn sóng COVID-19 thứ hai có xảy ra hay không", thượng nghị sĩ Menendez nhận định.

Giang