Hai bài học trong điều hành chính sách tiền tệ 2022: Thắt chặt quá mức và thiếu công cụ 'tinh xảo'
Phát biểu tại talkshow "Đối thoại đầu tuần: Kinh tế 2023: Điều hành chính sách tiền tệ và giải bài toán vốn cho doanh nghiệp" do Báo Đầu tư tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đã chỉ ra hai bài học cần rút kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đánh giá năm 2022, Chính phủ đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP trên 8%, kiểm soát lạm phát 3,15%, tạo được lòng tin với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, đặc biệt là tỷ giá tưởng sẽ biến động rất lớn nhưng chỉ biến động nhẹ.
Trong đó, chính sách tiền tệ đóng một vai trò lớn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô năm 2022 bởi bối cảnh kinh tế thế giới khá phức tạp do lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấpở hầu hết các nước, một số quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái nhẹ.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cần phải rút kinh nghiệm ở hai điểm trong điều hành chính sách tiền tệ 2022.
Chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức
Về việc đánh giá vấn đề để đưa ra định hướng chính sách, TS. Nghĩa chỉ ra rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới phức tạp, song có thể thấy đây không phải là một cuộc khủng hoảng mà thuần tuý chỉ là một “tai nạn y tế” hay một “tai nạn về xung đột” bắt nguồn từ nguyên nhân dịch bệnh và xung đột tại Nga - Ukraine.
Không có dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng cấu trúc nên hệ thống tài chính và ngân hàng hoàn toàn ổn định, việc làm, thu nhập người dân cũng không giảm mạnh. Chỉ có điều, tiêu dùng giảm do người dân không dám chi tiêu mà phải đề dành để phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn và trung hạn. Do đó, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu khá tốt và nhanh chóng chứ không đến mức khủng hoảng, TS. Nghĩa phân tích.
"Trước diễn biến trên thế giới những nhận định của chuyên gia cũng khác nhau, người bi quan thì cho rằng đó là một cuộc khủng hoảng và chúng ta phải ứng phó như đối với khủng hoảng. Điều này có thể dẫn đến một số chính sách hơi cực đoan, ví dụ như việc lo ngại quá mức về đồng USD tăng giá", chuyên gia nói.
Khi USD tăng giá sẽ khiến VND bị mất giá và tạo ra tâm lý lạm phát cao trong dân chúng. Cộng với việc tỷ giá hối đoái tăng thì lạm cho giá hàng nhập khẩu cũng tăng, tạo áp lực về lạm phát rất lớn cho Việt Nam. Vì lo ngại như vậy nên NHNN đã một mặt bán dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường và một mặt tăng lãi suất với cường độ khá lớn.
Những tính toán như vậy, ban đầu có thể thông cảm được bởi những dự báo bên ngoài về kinh tế quốc tế rất xấu, thậm chí ngay cả IMF cũng dự báo rất tiêu cực. Tuy nhiên, đây là một bài học quan trọng cần rút kinh nghiệm trong tương lai bởi khi nhìn nhận một sự việc cần thấy được bản chất của nó và những gì nó có thể tác động với Việt Nam.
Nếu nhìn nhận được đây không phải là một cuộc khủng hoảng thì sẽ có những ứng phó phù hợp hơn hoặc việc lạm phát với Việt Nam chỉ là chi phí đẩy thì ứng phó như thế nào.
Với lạm phát từ chi phí đẩy, dùng chính sách tài khoá để ứng phó sẽ hiệu quả hơn nhiều. Một vài lần giảm thuế phí xăng dầu sẽ làm giảm giá ngay xăng dầu trong nước vì giá xăng tăng chủ yếu do chi phí đẩy mà và không cần sử dụng đến chính sách tiền tệ. Bởi chính sách tiền tệ liên quan đến sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nội địa dựa nhiều vào lãi suất để sản xuất và kinh doanh, ông Nghĩa nhìn nhận.
Thiếu công cụ "tinh xảo" để điều hành chính sách tiền tệ
Bài học thứ hai là việc sử dụng công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Chuyên gia cho rằng, năm 2022 đã bộc lộ ra những yếu điểm trong sử dụng công cụ điều hành.
TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá: "Công cụ nghiệp vụ thị trường mở hay bơm rút tiền có vẻ không được thông suốt. Thị trường tiện tệ dường như chưa được xây dựng và hoàn thiện một cách vững chắc, còn thiếu những công cụ “tinh xảo” để điều tiết lãi suất, tỷ giá hối đoái,….
Có vẻ như còn một sự lúng túng trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2022, ví dụ như việc bơm hút tiền dựa chủ yếu qua kênh mua và bán ngoại tệ, thiếu những công cụ để bơm tiền ra như trái phiếu Chính phủ hoặc phải sử dụng một công cụ mà hiện nay còn rất ít quốc gia dùng tới như "tín phiếu ngân hàng Trung ương".
"Đây là điều Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ bằng việc xây dựng những công cụ hiện đại, được số hoá nhiều hơn và nhạy cảm hơn với thị trường trong tương lai", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.