|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hacker 'tung hoành' trên các sàn giao dịch tiền ảo

14:22 | 03/10/2017
Chia sẻ
Tình trạng quản lý lỏng lẻo và bảo mật kém ở các sàn giao dịch tiền ảo trên thế giới đã giúp bọn tội phạm, đặc biệt là các tin tặc (hacker) tung hoành, đột nhập lấy cắp tiền ảo, khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh thua lỗ và trắng tay, theo Reuters.
hacker tung hoanh tren cac san giao dich tien ao
Một nhà đầu tư biểu tình trước tòa nhà, nơi đặt trụ sở của sàn giao dịch tiền ảo Mt.Gox ở Tokyo, Nhật Bản vào tháng 2-2014. Ảnh: Reuters

Mất sạch vì hacker

Doanh nhân người Anh Dan Wasyluk ví các sàn giao dịch tiền ảo như bitcoin hoạt động giống như thế giới trực tuyến của “miền tây hoang dã”, nơi thiếu vắng “cảnh sát trưởng”, do đó bọn tội phạm, đặc biệt là hacker mặc sức lộng hành.

Cách đây ba năm, Wasyluk và các đồng nghiệp của anh đã huy động bitcoin cho một dự án công nghệ mới và gửi chúng vào một tài khoản ở một sàn giao dịch tiền ảo Moolah. Chỉ vài tháng sau, sàn tiền ảo này ngưng hoạt động và tuyên bố phá sản. Ryan Kennedy, Giám đốc điều hành Moolah, đang chờ bị đưa ra tòa xét xử ở Anh về tội gian lận và rửa tiền. Kennedy không nhận tội vì cho rằng sàn tiền ảo bị hacker tấn công.

Dự án của Wasyluk mất trắng 750 bitcoin, tương đương khoảng 3 triệu đô la Mỹ vào thời điểm hiện tại. Anh cho biết cơ hội để thu hồi số bitcoin đã mất là rất mong manh.

Các loại tiền ảo, đứng đầu là bitcoin, được coi là mang lại phương thức số hóa an toàn để thực hiện các giao dịch tài chính nhưng chúng đang bị nghi ngờ. Các lo ngại chủ yếu tập trung vào mức tăng giá theo cấp số nhân của chúng và nguy cơ sụt giá mạnh.

Một rủi ro không kém nữa đến từ các sàn giao dịch nơi tiền ảo được mua bán và cất giữ. Các sàn này là nơi khớp lệnh giữa người mua và người bán và đôi khi nắm giữ tiền của các nhà đầu tư song chúng đang trở thành những thỏi nam châm thu hút cho các hoạt động gian lận và cũng là nơi thường xuyên xảy ra những sự cố kỹ thuật.

Những khoản tiền đầu tư lớn đang đứng trước các rủi ro thường bị xem nhẹ khi giá tiền ảo tăng phi mã. Khi giá bitcoin và các tiền ảo khác tăng vọt trong năm nay, đặc biệt là mức tăng giá ấn tượng gấp bốn lần của bitcoin, lớp lớp nhà đầu tư và đầu cơ đã tìm đến các sàn giao dịch tiền ảo trực tuyến. Lượng bitcoin và các tiền ảo khác trị giá hàng tỉ đô la Mỹ không được bảo vệ bởi bất cứ chính phủ nào hay ngân hàng trung ương nào nhưng giờ đây đang được giao dịch mỗi ngày.

Các cơ quan quản lý và các chính phủ vẫn đang tranh luận cách ứng xử với tiền ảo. David L. Yermack, Chủ tịch khoa tài chính ở trường Kinh doanh Stern ở Đại học New York nói: “Đây là các tài sản mới. Mọi người thực sự không biết phải làm gì với chúng. Nếu bạn là người nắm giữ tiền ảo, chẳng có quy định nào bảo vệ tiền ảo của bạn”.

Cuộc điều tra của Reuters cho thấy ngay cả tại các thị trường tài chính được giám sát chặt chẽ, một số sàn tiền ảo hoạt động với hệ thống an ninh mạng rất lỏng lẻo và thiếu các điều khoản bảo vệ nhà đầu tư.

36 vụ tin tặc lấy cắp số bitcoin trị giá 4 tỉ đô la Mỹ

Có ít nhất 36 vụ tin tặc cướp tiền ảo ở các sàn tiền ảo kể từ năm 2011, trong đó nhiều sàn phải ngưng hoạt động sau khi bị tin tặc đột nhập. Hơn 980.000 bitcoin đã bị tin tặc lấy cắp. Số bitcoin này tương đương 4 tỉ đô la Mỹ vào thời điểm hiện nay.

Gần 25.000 khách hàng ở Mt.Gox, từng là sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới, vẫn đang chờ đợi bồi thường ba năm sau khi sàn này tuyên bố phá sản vì bị hacker tấn công và lấy cắp 650.000 bitcoin.

Hồi tháng 7, một tòa án ở bang Florida, Mỹ ra lệnh Paul Vernon, người điều hành sàn tiền ảo Cryptsy trả 8,2 triệu đô la Mỹ cho các khách hàng. Thẩm phán kết luận rằng 11.324 bitcoin của những khách hàng tại sàn Cruptsy bị lấy cắp nhưng không xác định được thủ phạm.

Trong 15 tháng qua, sàn tiền ảo Bitfinex ở Hồng Kông bị mất số bitcoin trị giá 72 triệu đô la Mỹ do các vụ tin tặc tấn công.

Tháng 8-2016, tin tặc đánh cắp 119.756 bitcoin từ Bitfinex. Sau đó, ban lãnh đạo Bitfinex quyết định giảm 36% trong số dư trong tài khoản của các khách hàng dù tài khoản của họ có bị hack hay không, một phương thức chia sẻ thua lỗ.

Hồi tháng 5-2017, nhà đầu tư trên một sàn tiền ảo của Mỹ có tên gọi Kraken mất hơn 5 triệu đô la Mỹ khi sàn này bị hacker tấn công và không thể truy cập.

Mảnh đất màu mỡ của bọn tội phạm

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều ngân hàng thận trọng với các sàn tiền ảo và một số ngân hàng không chấp nhận xử lý các lệnh chuyển tiền liên quan đến hoạt động mua bán tiền ảo. Tại một hội nghị nhà đầu tư ngân hàng ở New York vào hồi đầu tháng 9, Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của Ngân hàng JPMorgan Chase & Co, gọi bitcoin là “một trò gian lận” và dự báo bong bóng giá trị bitcoin sẽ nổ tung.

Việc bị các ngân hàng tẩy chay có thể khiến các sàn tiền ảo đôi khi không thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền bằng điện thoại, cho phép khách hàng mua hoặc bán tiền ảo bằng các đồng tiền truyền thống như euro hay đô la Mỹ.

Hồi tháng 3, ngân hàng Wells Fargo ngừng xử lý các lệnh chuyển tiền qua điện thoại cho một sàn tiền ảo Bitfinex, khiến các nhà đầu tư không thể chuyển đô la Mỹ ra khỏi tài khoản của họ. Vụ việc chỉ được giải quyết sau khi luật sư của Bitfinex can thiệp.

Jean Louis van der Velde, Giám đốc điều hành của Bitfinex nói: “Giao dịch với các ngân hàng luôn là một thách thức. Các nhà đầu tư và các doanh nghiệp như chúng tội bị đối xử như tội phạm”.

Thực tế, các ngân hàng cho biết họ lo ngại các sàn tiền ảo không thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của khách hàng để phòng ngừa các hoạt động rửa tiền và tội ác khác. Thay vì thế, tiền ảo lại thu hút những người muốn giao dịch ẩn danh và điều này khiến các sàn tiền ảo trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tội phạm.

Hồi tháng 6, khi ra điều trần trước quốc hội Mỹ, Kathryn Haun, một cựu công tố viên liên bang, cho biết bọn tội phạm bao gồm những kẻ phát tán mã độc đòi tiền chuộc, những tên trùm ma túy và những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đang tăng cường sử dụng các sàn tiền ảo không xác minh hồ sơ khách hàng và không bị quản lý chặt chẽ tại các nước ngoài. Bà cho biết: “Bọn tội phạm có thể mở các tài khoản ẩn danh hoặc các tài khoản với tên giả để né tránh sự phát hiện của cơ quan thực thi luật pháp”.

Chánh Tài