Hạ trần lãi suất huy động tác động ra sao tới thị trường, dòng vốn vào chứng khoán có cải thiện?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm loạt lãi suất điều hành từ 0,3-0,5 điểm % vào hôm qua ngày 3/4. Trong đó giảm 0,5 điểm % đối với trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho biết việc giảm lãi suất điều hành một phần khẳng định tính thanh khoản của hệ thống hiện nay khá dồi dào và đỡ áp lực hơn so với thời điểm cuối năm 2022.
- TIN LIÊN QUAN
-
NHNN: Thanh khoản hệ thống đang dư thừa rất lớn, sẽ xem xét giảm lãi suất điều hành khi điều kiện chín muồi 31/03/2023 - 16:18
Điều này cũng được đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết vào họp báo quý I mới đây. Vị này cho hay thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa rất lớn, số dư dự trữ bắt buộc đã vượt rất lớn từ tháng 2 cho tới nay. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất mạnh, hiện lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm về mức 0,7 - 1,2%, lãi suất kỳ hạn 1 tháng khoảng 4%
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát không ở mức quá cao so với các nước khác. Trong thời gian vừa rồi, tỷ giá cũng đã hạ nhiệt tạo điều kiện cho việc nới lỏng chính sách.
Ngoài ra, GDP quý I chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng trưởng thấp nhất của thời điểm khủng hoảng 2008. Chính vì vậy, Việt Nam phải nới lỏng chính sách tiền tệ để vực dậy tăng trưởng.
Cũng theo ông Minh, việc NHNN giảm lãi suất, đặc biệt là lãi suất trần huy động của các ngân hàng thương mại có thể sẽ khơi thông một phần dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang các kênh thị trường vốn khác, trong đó có thị trường chứng khoán. Đồng thời giảm tải áp lực và tạo tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất, cũng như những doanh nghiệp có đòn bẩy nợ cao trong thời gian vừa qua.
Ông Minh cho biết đầu năm là thời điểm áp lực về chi phí lãi vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ đặc biệt nhạy cảm. Do chịu ảnh hưởng của chi phí lãi vay tăng quá mạnh, kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 của các doanh nghiệp khá tiêu cực. Việc giảm lãi suất phần nào giúp tăng trưởng trong quý II tốt hơn, tâm lý của nhà đầu tư cũng sẽ tích cực hơn so với thời điểm trước.
Việt Nam đang có khuynh hướng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính chất ngắn hạn chứ chưa phải giải pháp căn cơ về dài hạn.
Thứ nhất, các tác động về lãi suất này không hướng đến lãi suất cơ bản. Lãi suất chung trên toàn cầu hiện nay vẫn đang có xu hướng đi lên và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng còn một nhịp tăng lãi suất nữa. Do đó, áp lực lãi suất trong trung và dài hạn của nền kinh tế vẫn chưa hạ nhiệt hoàn toàn.
Thứ hai, áp lực hiện nay đối với thị trường trong nước là vấn đề về trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trong quý II và quý III, lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn và vẫn chưa có giải pháp đúng để khơi thông được dòng vốn này.
Theo quan điểm của ông Minh, vẫn cần phải chờ đến hết quý II để có những giải pháp cụ thể hơn, đặc biệt là phải vực dậy được thanh khoản thị trường bất động sản và hệ số CAR của NHNN áp cho các NHTM giảm xuống thì dòng vốn tín dụng mới chảy vào thị trường bất động sản, giúp rủi ro dài hạn của thị trường giảm bớt. Từ đó, thị trường chứng khoán mới tạo ra được cơn sóng bền vững hơn.
Mặt bằng lãi suất huy động có thể duy trì quanh ngưỡng 7%
Ngay sau quyết định của NHNN, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động, trong đó lãi suất tối đa tại kỳ hạn từ 1 tháng - dưới 6 tháng đã được các ngân hàng giảm về mức 5,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng đã giảm về 0,5%/năm.
Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam dự báo mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và có thể duy trì quanh ngưỡng 7%, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh) thời điểm cuối năm.
Cơ sở để các chuyên gia đưa ra dự áo trên là lạm phát được kiểm soát dưới 4,5%; thanh khoản ngân hàng ổn định và Fed đang ở cuối lộ trình tăng lãi suất, kỳ vọng đảo chiều chính sách vào cuối quý II/2022.
Còn theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thanh khoản hệ thống bớt căng thẳng trong ngắn hạn, tuy nhiên áp lực tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 vẫn còn do áp lực tỷ giá khiến NHNN có thể phải tiếp tục nâng mặt bằng lãi suất điều hành và hút nội tệ về để cân bằng tỷ giá, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối không còn dồi dào.
Đồng thời, các sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị điều tra và thông tin bất lợi về các trái phiếu quá hạn cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư.
Trong năm 2022, lãi suất cho vay trung bình nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và nhóm ngân hàng tư nhân đều ghi nhận tăng thêm lần lượt 1,34% và 1,47% từ mức đáy quý IV/2021 nhờ nhu cầu tín dụng mạnh mẽ và tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong điều kiện room tín dụng hạn chế.
Tới quý I/2023, nhờ các biện pháp quyết liệt từ phía NHNN, lãi suất huy động giảm dần và lãi suất cho vay đã bắt đầu ghi nhận giảm nhẹ tại các khoản vay phát sinh mới, tuy nhiên cũng sẽ có độ trễ so với lãi suất huy động.
Mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt vào cuối năm.
Bên cạnh đó, Thông tư 26 sửa cách tính tỷ lệ LDR áp dụng trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ thanh khoản của thị trường khi dư địa cho vay mở rộng tại các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước là Vietcombank, BIDV và VietinBank.