|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội, xin chỉ định CĐT cho dự án

18:33 | 06/12/2018
Chia sẻ
Trước hàng loạt vướng mắc khiến việc phát triển nhà ở xã hội bị "dậm chân tại chỗ", thậm chí ế khách, UBND TP Hà Nội cho biết thời gian tới sẽ đưa ra nhiều giải pháp để thúc thị trường này, như rà soát 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội, xin chỉ định CĐT cho dự án, kiến nghị đẩy nhanh việc triển khai việc xây nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại... 

UBND TP Hà Nội mới đây đã có báo cáo số liệu nhà ở xã hội tại khu vực đô thị gửi Bộ Xây dựng.

Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết, mục tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đến năm 2020 cần hơn 4.676.000 m2 sàn; nhà ở cho công nhân khoảng hơn 567,5 m2 sàn. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố để đạt được mục tiêu hiện gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Nghìn lỷ vướng mắc khi xây nhà ở xã hội

Cụ thể, về việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP Hà Nội cho biết, thực tế khi phát triển nhà ở xã hội tại các ô đất thuộc quỹ 20% đất ở của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố đã phát sinh nhiều bất cập.

Trong đó, quy định biện hành chưa có quy định tỷ lệ % đất ở dành để phát triển nhà ở xã hội khi lập, thẩm duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch đô thị để thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở. Do đó, thiếu tính chủ động khi bố trí quỹ đất, đề xuất dự án xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

ha noi se tiep tuc ra soat 20 quy dat de xay nha o xa hoi xin chi dinh cdt cho du an
Việc phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội đang gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất 20% phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dụng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nên tiến độ thực hiện thường chậm (việc bố trí quỹ đất 20% thường do chủ đâu tự chủ động đề xuất).

Ngoài ra, tăng áp lực đô thị về dân số, nhất là tại các khu vực nội thành (do điện tích căn hộ nhỏ), hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chịu áp lực lớn (do được phép tăng quy mô dân số lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện, cơ cấu độ tuổi dân số chủ yếu là dân số trẻ có nhu cầu cao về nơi đỗ xe, trường học... ).

UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra một lý do khiến nhiều dự án nhà ở xã hội ế hàng, đó là một số dự án đã đủ điều kiện mua nhà nhưng do các dự án này nằm tại các khu vực xa trung tâm, chưa đầy đủ hệ thống dịch vụ - công cộng và chưa thuận tiện về kết nối hạ tầng với trung tâm thành phố nên khách hàng thường làm lơ.

Liên quan vấn đề về vốn, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội chủ yếu bằng ngân sách nhà nước nên gặp khó khăn về nguồn vốn. Cùng với đó, do không thu tiền sử dụng đất nên tại một số dự án nhà ở xã hội có lợi thế về vị trí, thương mại cao, khi bán nhà khống chế giá bán, giá nhà ở xã hội có sự chênh lệch lớn so với nhà thương mại cùng khu vực nên dẫn đến tình trạng mua đi bán lại trái quy định, gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội...

Nhà ở cho công nhân ế khách vì lựa chọn mô hình đầu tư không phù hợp

Riêng đối với nhà ở cho công nhân, thành phố cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo UBND TP Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy tại các khu nhà ở công nhân thấp, do thói quen một bộ phân công nhân muốn ở trong khu dân cư liền kề để thuận tiện trong sinh hoạt đi lại, giảm chi phí nên không đăng ký thuê nhà ở công nhân trong khu công nghiệp.

Bên cạnh đó là do bất cập về mô hình đầu tư. Các dự án nhà ở công nhân trước đây chủ yếu phục vụ cho các công nhân độc thân chưa lập gia đình (phòng ở tập thể mỗi phòng từ 8 đến 24 người), sau khi lập gia đình căn hộ trên không phù hợp. Đồng thời các dự án nhà ở công nhân cho thuê nên thu hồi vốn chậm (hơn 10 năm), chưa thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia.

Thêm nữa, các dự án nhà ở công nhân được xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách, vốn đầu tư lớn (đến hàng nghìn tỷ đồng) trong khi ngân sách còn hạn hẹp; dự án chậm tiến độ do thiếu vốn; khó thu hút nguôn lực xã hội tham gia xã hội hóa đầu tư do thời gian thu hồi vốn dài.

Ngoài ra, trong luật chưa có quy định cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở và các công trình thiết chế hạ tầng kỹ thuật (giao thông, xe bus công cộng,...), hạ tầng xã hội (trường học, y tế, nhà văn hóa,...) cho công nhân trong khu công nghiệp.

Tiếp tục rà soát 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội

Từ các thực trạng khó khăn và vướng mắc trên, UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong việc phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.

Một trong những giải pháp quan trọng đó là nghiên cứu bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch đô thị.

ha noi se tiep tuc ra soat 20 quy dat de xay nha o xa hoi xin chi dinh cdt cho du an
Dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden nằm trong khu đô thị Sunny Garden City ở Quốc Oai (Hà Nội) - chủ đầu tư là Tập đoàn CEO Group - đến nay vẫn còn ế hàng trăm căn hộ dù mở bán 15 lần. Ảnh: Infonet.

Thành phố cho biết sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất 20% theo quy định trước đây của UBND thành phố để phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, triển khai 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc để bổ sung một phần vào quỹ nhà ở xã hội thành phố giai đoạn 2016 – 2020 và các năm tiếp theo.

Xây nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng quy định bổ sung trách nhiệm phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án nhà ở thương mại đã được giao chủ đầu tư trước thời điểm Nghị định 100/2015 của Chính phủ có hiệu lực nhưng đến nay chậm triển khai.

Chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố khẩn trương rà soát quy hoạch, đẩy nhanh việc di dời ra ngoài nội thành các trụ sở cơ quan, các bệnh viện trường đại học, cao đẳng, dạy nghề thuộc diện trung ương quản lý theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn, quy định bổ sung một số nội dung chưa rõ như: Khoản 3 điều 54 Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê. Tuy nhiên thực tế có dự án không có hoặc có rất ít đối tượng thuê nhà ở xã hội nên gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc thu hồi vốn đầu tư.

Về đất đai, UBND TP Hà Nội kiến nghị rà soát tổng hợp lập danh mục toàn bộ quỹ đất 20% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai để đề xuất vị trí quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Về cơ chế chính sách, thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng nghiên cứu ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cho thuê mua, nhất là nhà ở cho công nhân, sinh viên, ví dụ phát triển mô hình liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và đối tượng thu nhập thấp...

Xin chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng cho phép thành phố chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các nhà đầu tư đã được lựa chọn lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 trên cơ sở thống nhất chủ trương bằng văn bản với Bộ Xây dựng. Nghiên cứu miễn giảm thủ tục cấp phép xây dựng các công trình thuộc dự án nhà ở xã hội.

Đối với nhà ở công nhân, sinh viên, thành phố đưa ra giải pháp phát triển nhà ở công nhân chủ yếu theo dự án xung quanh các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó xây dựng các khu nhà ở công nhân có đầy đủ thiết chế hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thành phố cũng ưu tiên dành quỹ đất 20% hoặc 25% để phát triển các dự án xây dựng nhà ở công nhân, sinh viên giúp các đối tượng này được hưởng hạ tầng khu đô thị.

Phát triển các dự án gắn liên với quy hoạch các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo từ khâu phê duyệt quy hoạch chi tiết và khi quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời, quy hoạch thiết kế nhà ở công nhân phù hợp với khả năng chi trả (thu nhập thấp), dạng căn hộ khép kín để công nhân yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Căn hộ có diện tích từ 30 – 45 m2 và có giá khoảng từ 200 – 400 triệu đồng/căn.

Xem thêm

Khánh Hà