Hà Nội sẽ rà soát, xử lí vi phạm đất đai tại các mô hình farmstay
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có công văn về kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay).
Công văn nêu rõ, UBND TP nhận được Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đề nghị kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng. Trong đó, đề nghị thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu có biện pháp quản lí, giải quyết bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện,...
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát, xử lí các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã,…
UBND TP cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lí đất đai, quản lí trật tự xây dựng đối với mô hình kinh doanh trên.
Đồng thời, các đơn vị này có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng đến chính quyền cơ sở và người dân để tránh xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong việc đầu tư, xây dựng, sử dụng đất để thực hiện mô hình farmstay.
Trước đó, Bộ TN&MT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương kiểm tra, rà soát, thống kê các vi phạm về đất đai đối với mô hình farmstay.
Theo Bộ này, thời gian qua, một số trang quảng cáo và các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những lời mời gọi đầu tư bất động sản theo mô hình farmstay tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Bình, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Lâm Đồng, TP HCM, Long An,...
Bộ TN&MT đề nghị các địa phương cần kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại mô hình này, xác định khu vực có vi phạm đất đai, nêu rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lí kịp thời,...
Trước đó, tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lí một số thông tin báo chí phản ánh về hoạt động của mô hình farmstay.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TN&MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng sớm nghiên cứu, ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và kinh doanh.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Liên quan đến xu hướng đầu tư BĐS vùng ven, theo TS. Đinh Thế Hiển, hiện nay, rất khó để thành công với mô hình famstay bởi giá đất của các khu vực này đã tăng rất mạnh, trong khi những vùng này chủ yếu là đất nông nghiệp.
"Thực ra đó không phải là câu chuyện mới, trước đây khoảng 10 năm đã có những trung lưu mua 5 - 10 ha để làm nhà vườn nhưng sau đó họ nhận ra mua đất rồi phải xây nhà, bảo trì nhà khá tốn kém, xung quanh cũng không có tiện ích. Vì vậy, tôi thấy câu chuyện xây nhà vườn diện tích nhỏ hơn khoảng 1.000 - 2.000 m2 sẽ rất khó khăn", ông Hiển cho hay.
Do đó, vị chuyên gia này lưu ý, với các nhà đầu tư cá nhân, chỉ nên mua đất những vùng nào sẽ có đô thị hóa, sẽ có dân sinh sống và mua phải chấp nhận chờ 5 năm, thậm chí 10 năm. Ông Hiển cho rằng dù phải xác định đầu tư dài hạn nhưng đây là cơ hội rất đáng chờ.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, farmstay là loại hình đáp ứng nhu cầu mới của thị trường du lịch nói chung và thị trường bất động sản du lịch nói riêng. Do vậy, rất cần xây dựng khung pháp lí để điều chỉnh, đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững.
Vị này phân tích, nếu dự án khu du lịch trải nghiệm nông thôn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và hoạt động kinh doanh du lịch thì bình thường.
Tuy nhiên, nếu tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch dạng farmstay mà chưa được pháp luật cho phép thì cần phải được chấn chỉnh, xử lí kịp thời.
Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền phải kiên quyết ngăn chặn, xử lí các trường hợp tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất rừng để xây dựng trái phép các cơ sở lưu trú du lịch và bán, huy động vốn trái phép các lô farmstay cho các nhà đầu tư thứ cấp.