|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội sắp có thêm 7 tuyến buýt nhanh

14:27 | 20/12/2016
Chia sẻ
Hà Nội có thêm 7 tuyến buýt nhanh nữa. Trong đó có 3 tuyến sẽ trùng với 3 tuyến đường sắt đô thị.
ha noi sap co them 7 tuyen buyt nhanh
Ảnh minh họa: BizLIVE

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội sẽ có thêm 7 tuyến buýt nhanh BRT nữa. Trong đó có 3 tuyến sẽ trùng với 3 tuyến đường sắt đô thị.

Theo ông Viện, từ thực tiễn giao thông ở Hà Nội việc triển khai các tuyến BRT là phù hợp. Đặc biệt, kinh phí để xây dựng buýt nhanh chỉ bằng 1/10 đường sắt trên cao, 1/20 tàu điện ngầm.

Làm rõ thắc mắc vì sao cho khi cho vận hành thử nghiệm tuyến BRT bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã lại vào ngày thứ 7, chủ nhật khi đó lưu lượng xe thấp hơn ngày trong tuần, ông Viện cho biết:

Kế hoạch vận hành thử nghiệm từ 15-17/12 được diễn ra tại đầu bến Kim Mã. Tiếp đến giai đoạn 2 từ 18-23/12 lái xe thử nghiệm tác nghiệm trên làn đường, dừng đỗ tại các trạm dọc tuyến.

Tiếp đó các ngày sau liên tục cho đến 31/12 sẽ tiến hành thử nghiệm tình huống giả định đón trả khách, hiệu chỉnh các thiết bị, bổ sung nếu cần… Tuyến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ 1/1/2017. Như vậy, việc thử nghiệm diễn ra không phải chỉ rơi vào ngày thứ 7, chủ nhật.

Ông Viện khẳng định tuyến BRT đầu tiên này sẽ là dự án trong tương lai sẽ đem lại hiệu quả cao, nhất là tại các tuyến đường đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc mà tuyến này đi qua.

“Phương tiện cá nhân đông thì chúng ta phải thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng. Chính vì thế, khi tuyến BRT đi vào hoạt động, tương lai lượng phương tiện cá nhân sẽ giảm đi. Khi đó phương tiện giao thông công cộng sẽ tiện ích hơn”, ông Viện nói.

Theo ông Viện, xe buýt nhanh sẽ nhanh hơn so với xe buýt thường từ 5-10 phút. Bởi vì xe buýt nhanh có một số ưu tiên như: đi trên đoạn đường riêng, toàn bộ lộ trình trên tuyến buýt nhanh tiếp cận hành khách ở nhà chờ trên tuyến, lái xe cũng không mất nhiều thời gian ra vào bến…

Đáng lưu ý, về phương án vận hành xe, nhiều ý kiến cho rằng việc cấm các loại phương tiên lưu thông trên 2 cầu vượt (Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương-Láng) giờ cao điểm sẽ càng gây ùn tắc giao thông.

Về vấn đề này, ông Vũ Hà - Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị cho biết: Chỉ cấm vào giờ cao điểm. Ngoài giờ cao điểm thì người dân đi bính thường.

“Không phải ưu tiên tất cho giao thông công cộng nhưng cũng không hoàn toàn cho phương tiện giao thông cá nhân. Tuyến này đang đông thì giảm đi để sang các tuyến khác”, ông Hà nói và khẳng định sau 6 tháng đến 1 năm vận hành sẽ tiến hành đánh giá, để hướng đến một tuyến xe buýt nhanh đúng chuẩn trong tương lai.

Tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội có lộ trình hai chiều từ Bến xe Yên Nghĩa - Quốc lộ 6 - Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã với chiều dài 14,77 km, tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD, khoảng 1.100 tỷ đồng.

Thời gian phục vụ tuyến 17 giờ (từ 5-22 giờ), tần suất phục vụ ngày thường 5-10-15 phút/lượt với tổng số 358 lượt xe, ngày Chủ nhật 264 lượt. Giá vé 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường; vé tháng áp dụng như vé tháng xe buýt; miễn phí vé cho hành khách sử dụng trong vòng một tháng đầu tiên.

Thời gian 1 lượt xe từ đầu đến cuối tuyến là 45 phút (chậm hơn 8 phút so với thiết kế nhưng nhanh hơn xe buýt thường 5-10 phút/ lượt khi tổ chức giao thông để đảm bảo vận tốc khai thác 19,6km/giờ (chậm hơn vận tốc thiết kế 4,1km/giờ).

N. Mạnh