|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội nghiên cứu thành phố phía Nam giai đoạn 2045-2065

21:30 | 18/12/2023
Chia sẻ
Thành phố phía Nam có thể được xây dựng trong giai đoạn 2045 - 2065 khi hình thành sân bay thứ hai của Thủ đô ở khu vực này, theo Phó chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn.

Ngày 18/12, tại hội nghị tham vấn Tổ công tác Bộ Xây dựng về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065, ông Dương Đức Tuấn cho hay sân bay thứ hai được nghiên cứu sau năm 2030 và tổ chức thực hiện sau năm 2040.

"Như vậy, giai đoạn từ 2045 – 2065 có khả năng hình thành thành phố ở phía Nam để xứng tầm với sân bay thứ hai", ông Tuấn nói, cho biết thêm đây là sân bay quốc nội nhưng có thể tổ chức chuyến bay quốc tế công suất 50 triệu khách mỗi năm, dự phòng cho sân bay Nội Bài.

Mô hình cấu trúc đô thị theo Đồ án điều chỉnh. (Nguồn: VIUP).

Do vậy, ông Tuấn đề nghị đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) nêu rõ trong đồ án và thuyết minh việc hình thành thành phố phía Nam trong giai đoạn 2045 - 2065.

Với việc nghiên cứu xây dựng thành phố thứ ba, Thủ đô có cấu trúc ba thành phố trực thuộc gồm, thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây và thành phố phía Nam. Riêng phía Đông không nghiên cứu mô hình thành phố trực thuộc do giáp Bắc Ninh và Hưng Yên, hai tỉnh định hướng trở thành vệ tinh của Thủ đô.

Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội cũng đề nghị tư vấn và các đơn vị liên quan làm rõ một số khái niệm, mô hình đô thị. "Quy hoạch chung năm 2011 đưa ra 5 đô thị vệ tinh, do vậy đồ án điều chỉnh cần làm rõ còn bao nhiêu đô thị vệ tinh. Những đô thị nằm trong thành phố trực thuộc thành phố thì có gọi là thành phố vệ tinh hay chỉ là đô thị vệ tinh nằm trong cơ cấu của thành phố...", ông Tuấn nêu vấn đề.

Hai phương án xây dựng sân bay thứ hai ở phía Nam Thủ đô (phương án 2A và 2B). (Nguồn: Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội).

Trước đó, thay mặt đơn vị tư vấn, ông Lê Hoàng Phương (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) cho hay Thủ đô sẽ phát triển theo chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm gồm: Đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm); thành phố phía Bắc (thuộc các quận, huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); thành phố phía Tây (gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai); cùng các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và thị trấn sinh thái, thị trấn...

Trong đó, thành phố phía Bắc diện tích 633 km2, gồm 45 phường và 24 xã, sẽ khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, hình thành đô thị mới cao tầng, đô thị thông minh hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp. Thành phố phía Tây diện tích 251 km2, gồm 16 phường và 8 xã, được định hướng phát triển thành đô thị khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Đề xuất thành phố phía Nam mới được Hà Nội bổ sung vào đồ án quy hoạch chung, xuất phát từ dự kiến xây sân bay thứ hai tại phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa). Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể của sân bay thứ hai sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Sau khi lấy ý kiến các chuyên gia, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô được tiếp thu hoàn chỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định và dự kiến báo cáo Chính phủ trong tháng 3, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm 2024.

Võ Hải

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).