Hà Nội không để đứt gãy chuỗi sản xuất do COVID-19
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, quan điểm của thành phố Hà Nội là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, nên các doanh nghiệp phải kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất, xây dựng kịch bản để chủ động ứng phó, xử lý khi có lao động mắc COVID-19.
Riêng cụm công nghiệp Thanh Oai cần lập trạm kiểm soát việc ra - vào cụm, cũng như xây dựng tường bao, rào chắn nhằm quản lý chặt chẽ người ra - vào cụm công nghiệp; từ đó ngăn ngừa không để dịch bệnh tấn công, làm đứt gãy nền kinh tế.
Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp hoạt động tại cụm công nghiệp của Hà Nội đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, Ban quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp nắm chặt thông tin và yếu tố dịch tễ của người lao động hàng ngày, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ dương tính với COVID-19 tại doanh nghiệp.
Theo Báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai, Cụm công nghiệp Ngọc Liệp hiện có 24 đơn vị đang hoạt động với các ngành nghề chủ yếu gồm: sản xuất chế biến gỗ; gia công cơ khí; sản xuất đồ gia dụng; thiết bị nhà vệ sinh; sản xuất bê tông. Còn tại Cụm công nghiệp Yên Sơn với 6 đơn vị đang hoạt động với các ngành nghề chủ yếu gồm: Chế biến gỗ; sản xuất bánh kẹo; xuất khẩu lao động; sản xuất bê tông và kinh doanh xăng dầu.
Với 30 doanh nghiệp, hơn 2.000 lao động làm việc tại cụm công nghiệp Ngọc Liệp và Yên Sơn (huyện Quốc Oai) đã tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng dịch như: Phun khử khuẩn xe ô tô chở hàng tới khu vực sản xuất; công nhân đeo khẩu trang khi làm việc, được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay tại cổng cụm công nghiệp...
Ông Lê Quý Khả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tomeco An Khang thông tin, doanh nghiệp hiện có 120 cán bộ, công nhân, chuyên thiết kế, chế tạo quạt công nghiệp và chế tạo cơ khí OEM cho công nghiệp phụ trợ.
Hiện sản phẩm của công ty phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất, xây dựng trên 63 tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu tới 11 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Cu Ba, Đức, Đan Mạch, Australia, Thái Lan…
Thực hiện tốt phòng, chống dịch COVID-19, công ty yêu cầu các công nhân kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào xưởng sản xuất. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh phức tạp, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, những công nhân có lịch trình di chuyển có thể đi qua vùng dịch hoặc liên quan vùng dịch phải khai báo cụ thể; tự cách ly tại nhà từ 14 - 21 ngày.
Đồng thời, công ty sử dụng hệ thống truyền thanh nội bộ để hàng ngày tuyên truyền các biện pháp phòng dịch; khuyến khích công nhân cài Bluezone trên smartphone để kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến dịch COVID-19.
"Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, bên cạnh việc phát khẩu trang cho người lao động, công ty còn phát Vitamin C miễn phí cho công nhân để nâng cao sức đề kháng trước dịch bệnh", ông Lê Quý Khả chia sẻ.
Tương tự, tại 11 cụm công nghiệp huyện Thường Tín, các doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm biện pháp phòng dịch. Ban Quản lý cụm công nghiệp Quất Động 2 cũng thường xuyên cập nhật tình hình doanh nghiệp trong cụm để nắm bắt được kịp thời, báo cáo tình hình diễn biến dịch COVID-19 đến UBND huyện Thường Tín và có biện pháp xử lý.
Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp đã được triển khai theo đúng quy định của Bộ Y tế. Vừa qua trên địa bàn các xã Tô Hiệu, Hiền Giang, Dũng Tiến, Ninh Sở xuất hiện ca mắc COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất đã phối hợp với ngành y tế truy vết các đối tượng tiếp xúc theo quy định.
Tại địa bàn huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm thông tin, huyện đã liên tiếp có nhiều văn bản đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp Phú Thị, Bát Tràng, Kiêu Kỵ lập danh sách người lao động, chuyên gia đang cư trú trên địa bàn thường xuyên di chuyển, giao thương tại các địa điểm ở địa phương lân cận có xuất hiện ca lây nhiễm, qua đó chủ động giám sát khi có các ca bệnh.
Do các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch nên đến nay, huyện chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra đột xuất ở các cụm công nghiệp Hà Nội của Sở Công Thương Hà Nội vào cuối tháng 5/2021 vừa qua, vẫn còn tình trạng một số cụm công nghiệp vẫn chưa thực hiện rốt ráo, nghiêm túc phòng, chống dịch theo Công điện số 07/CĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 12/5/2021 về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 liên quan các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp và tại cơ sở khám chữa bệnh.
Việc phòng chống dịch COVID-19 tại cụm công nghiệp Thanh Oai khá lỏng lẻo, khu vực cổng ra vào không bố trí lực lượng đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn. Đặc biệt, người dân Đồng Mai đi lại tự do trong cụm công nghiệp không phải khai báo y tế, khử trùng, diệt khuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Nhiều doanh nghiệp chưa đặt máy khử khuẩn tại nơi ra vào với lý do việc làm này sẽ gây ách tắc giờ làm của người lao động nên từ chối lắp đặt.
Trước những sai phạm này, ông Bùi Đình Dư, Trưởng ban quản lý cụm công nghiệp Thanh Oai cũng thừa nhận, chưa thực hiện việc kiểm soát người ra, vào cụm công nghiệp nguyên do là bởi tuyến đường trong cụm công nghiệp còn được coi là đường dân sinh, nên khó có thể kiểm soát, đo thân nhiệt cho người qua lại.
"Hiện Ban quản lý chưa hoàn thiện yêu cầu của Sở Công Thương Hà Nội về việc lập danh sách cụ thể tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của từng công nhân, nhóm đối tượng có nguy cơ cao theo chỉ đạo tại Công điện số 07/CĐ-UBND thành phố"- ông Dư thừa nhận.
Ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, mặc dù huyện Quốc Oai cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện tuy nhiên, tại một số công ty, doanh nghiệp, việc phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số tồn tại như: khoảng cách bố trí công nhân một số vị trí chưa được đảm bảo; ý thức chấp hành về phòng chống dịch của một số công nhân chưa tốt; các trang thiết bị y tế còn hạn chế; chưa có nhiều băng rôn tuyên truyền chống dịch tại đơn vị.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu các doanh nghiệp và cụm công nghiệp không thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch thì dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan ra cộng đồng, lúc đó hậu quả rất khó lường.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/