|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội cần hơn 220 tỉ đồng để xóa toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt

20:45 | 25/05/2020
Chia sẻ
Hà Nội cần bố trí hơn 220 tỉ đồng để xóa lối đi tự mở và nhiều điểm tái vi phạm hành lang đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu.
Hà Nội cần hơn 220 tỉ đồng để xóa toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt - Ảnh 1.

Hà Nội còn tồn tại hơn 360 lối đi tự mở, nhiều điểm tái vi phạm hành lang đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu. Ảnh: lối đi tự mở dày đặc ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì

Cả năm chỉ xóa được duy nhất một lối đi tự mở

Cục Đường sắt VN cho biết, hiện Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lối đi tự mở qua đường sắt nhất trên cả nước. Cụ thể, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài khoảng 162,11km, nhưng có đến 545 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt, trong đó có 183 đường ngang hợp pháp và 362 lối đi tự mở.

"Hà Nội cũng có tới hơn 200 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt, hơn 800 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được xử lý", Cục Đường sắt VN thông tin.

Theo thống kê của Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2020, dù mật độ tàu giảm mạnh do ngành Đường sắt dừng chạy tàu khách trên các tuyến để phòng chống dịch Covid-19, nhưng trên địa bàn Thủ đô vẫn xảy ra 7 vụ TNGT đường sắt, chỉ giảm 2 vụ so với cùng ký.

Theo ông Dương Văn Thư, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội, phân tích các vụ tai nạn cho thấy, ngoài xảy ra tại lối đi tự mở chiếm tỷ lệ cao, còn do người dân đi, đứng… trên đường sắt, vi phạm hành lang đường sắt. Điển hình, năm 2019 xảy 31 vụ, trong đó tại lối đi tự mở 15 vụ và do người dân vi phạm hành lang đường sắt đến 14 vụ; 4 tháng đầu năm 2020, xảy ra 7 vụ, thì 5 vụ do người dân vi phạm hành lang đường sắt, chỉ 1 vụ tại lối đi tự mở.

“Thực trạng này khiến nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt vẫn cao do việc xử lý vi phạm hành lang đường sắt trên địa bàn Hà Nội chưa được cải thiện, trong khi đây là trách nhiệm chính thuộc về địa phương”, ông Thư nói và cho biết thêm, năm 2019 Hà Nội chỉ xóa bỏ được duy nhất 1 vị trí lối đi tự mở; 4 tháng 2020 không xóa bỏ được lối đi tự mở nào.

Hà Nội cần hơn 220 tỉ đồng để xóa toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân để tấm đan trong lòng đường tàu, sát đường tàu, đe dọa an toàn chạy tàu

Cần bố trí hơn 220 tỷ để xóa lối đi tự mở

Cũng theo ông Thư, hiện trên địa bàn Hà Nội còn nhiều vị trí xảy ra tình trạng nhiều lần tái vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Nguyên nhân do chính quyền địa phương chưa có giải pháp triệt để. Một số lối đi tự mở đã được các đơn vị đường sắt rào và bàn giao cho địa phương quản lý nhưng tiếp tục bị người dân phá dỡ gây mất trật tự ATGT đường sắt, như tại km 7+050 trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, đường vào làng Tứ Kỳ (Quận Hoàng Mai).

Tại lối đi tự mở km 20+355 tuyến vành đai Bắc Hồng - Văn Điển (thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), đường sắt đã cho chôn các cột bê tông (bằng các thanh tà vẹt) để rào đóng lối đi tự mở nhưng đã bị người dân nhổ đi.

Phần rãnh hai bên đường sắt và trong lòng đường sắt được đổ đất đá, san phẳng tạo lối đi qua đường sắt. Vì vậy, rất đông phương tiện giao thông đường bộ vẫn qua lại lối đi này, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Hay tại đường cụt phía Bắc ga Hà Đông, các hộ dân vô tư lấn chiếm, đặt chuồng chó, chuồng gà, chậu cây vi phạm khổ giới ATGT đường sắt. Ga Hà Đông và Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội đã báo cáo tình trạng này với UBND phường Phú La, Quận Hà Đông. UBND phường Phú La đã tiến hành giải tỏa, nhưng các hộ dân lại tái lấn chiếm.

Ngoài ra, tình trạng họp chợ đông người hoặc tập kết vật liệu, phương tiện trong phạm vi các đường ngang cũng rất phổ biến như khu vực: Trần Phú, Khâm Thiên, Cửa Nam, Bắc ga Giáp Bát, Km 7+895, Km8+040, Km 8+190 (thuộc thị trấn Văn Điển)... và tại gầm cầu Long Biên, cầu Thăng Long.

Hà Nội cần hơn 220 tỉ đồng để xóa toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt - Ảnh 3.

Hà Nội còn để xảy ra tình trạng họp chợ trên hành lang đường sắt, công trình đường sắt. Ảnh: họp chợ trên hành lang bảo vệ cầu Thăng Long, ảnh hưởng đến kết cấu cầu, mố, trụ cầu

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, vừa làm việc với Ban ATGT TP. Hà Nội và chính quyền các quận, huyện có đường sắt đi qua để tìm hướng xử lý dứt điểm tồn tại trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn Thủ đô.

Tại cuộc họp này, Cục Đường sắt VN đề nghị thành phố Hà Nội sớm có quy hoạch về các giao cắt đường bộ - đường sắt, nhất là các vị trí giao cắt khác mức bằng cầu vượt hoặc hầm chui qua đường sắt để có phương án, kế hoạch triển khai.

Cùng đó, Hà Nội cần khẩn trương xây dựng kế hoạch quản lý, xóa bỏ các lối đi tự mở theo lộ trình quy định tại Nghị định số 65/2018, Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.

Theo đó, từ nay đến 2025, Hà Nội cần bố trí hơn 220 tỷ đồng để xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở trên địa bàn.

Kỳ Nam