GTNfoods sáp nhập vào Vilico theo tỷ lệ 1,6 : 1
Ngày 12/3, Hội đồng quản trị CTCP GTNfoods (Mã: GTN) đã phê duyệt tỷ lệ hoán đổi sáp nhập vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico, Mã VLC) là 1,6 : 1, tương ứng cổ đông sở hữu 16 cổ phiếu GTN vào ngày chốt quyền sẽ hoán đổi lấy 10 cổ phiếu VLC.
Như vậy, với tỷ lệ hoán đổi là 1,6 : 1, Vilico sẽ phát hành tối đa 156,25 triệu cổ phiếu để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN, sau khi hoàn tất các cổ đông của GTN sẽ trở thành cổ đông Vilico. Sau sát nhập, GTNfoods sẽ chấm dứt sự tồn tại, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển giao cho Vilico.
Lưu ý, do GTNfoods đang là công ty mẹ nắm 47 triệu cổ phiếu Vilico, tương đương 74,49%. Nên khi thực hiện sáp nhập, phần sở hữu trùng, tức toàn bộ 47 triệu cổ phiếu mà GTN đang sở hữu tại Vilico phải được loại bỏ.
Do đó, vốn điều lệ Vilico sau sáp nhập dự kiến bằng 156,25 + 63,1 - 47 = 172,35 triệu cổ phần theo mệnh giá, tương ứng vốn điều lệ 1.723,5 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu GTN đang được giao dịch ở vùng giá 26.000 đồng, tăng 18% trong vòng hơn 1 tháng; trong khi cổ phiếu VLC có giá 41.100 đồng/cp, tăng 37%. Cổ phiếu VLC đang cao hơn GTN 60%.
Như vậy, với mức giá trên của hai cổ phiếu đã gần tương đương với tỷ lệ chuyển đổi mà GTN vừa thông qua (dùng phương pháp nhân chéo tỷ lệ chuyển đổi, giá cổ phiếu GTN là 25.687 đồng/cp, còn VLC là 41.600 đồng/cp).
Đồng thời, do GTN là công ty mẹ sở hữu trực tiếp công ty mẹ sở hữu 74,49% vốn tại Vilico. Do đó, khi GTN đã thông qua phương án, nhiều khả năng Vilico cũng sẽ đưa ra phương án chuyển đổi tương tự.
Theo phương án công bố, GTN sẽ hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán HOSE. Diễn biến giá cổ phiếu Vilico theo lý thuyết sẽ tuỳ thuộc chủ yếu vào viễn cảnh kinh doanh của doanh nghiệp này sau sáp nhập.
Theo dự thảo, chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh của Vilico sau sáp nhập sẽ tập trung vào những nội dung chính như khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng đưa Vilico trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam.
Vilico đang có chủ trương đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là tự làm hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.
Vilico cho biết sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ và phát triển chăn nuôi bò sữa và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa thông qua công ty thành viên là CTCP Giống Bò Sữa Mộc Châu (Mã: MCM).
Mới đây, Vilico đã cho biết sẽ thành lập công ty liên doanh với tập đoàn Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực bò thịt với vốn điều lệ 2 tỷ USD, trong đó vốn góp của Vilico là 51% và của Sojitz Corporation là 49%.