Grab sẽ mở trung tâm R&D tại TPHCM
"Hai địa điểm mới này có nguồn nhân tài ngày càng đông đảo và họ am hiểu lối sống ở những nước đang phát triển", đồng sáng lập viên của Grab Hooi Ling Tan nói với TechCrunch trong một cuộc phỏng vấn. "Có nhiều sự tương đồng giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, đặc biệt là về các phương thức thanh toán", ông nói.Hồi tháng trước, Grab đã thông báo lên kế hoạch mở một trung tâm kỹ thuật tại Jakarta (Indonesia). Có thêm hai trung tâm mới tại Ấn Độ và Việt Nam, Grab sẽ có tổng cộng 6 trung tâm R&D trên toàn cầu. Những trung tâm khác của Grab hiện được đặt tại Singapore, Bắc Kinh (Trung Quốc) và Seattle (Mỹ).
Mặc dù lên kế hoạch mở văn phòng mới tại Ấn Độ, song Grab cho biết sẽ không mở rộng hoạt động sang quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Động thái này chủ yếu là nhằm tập hợp thêm nhân tài để dồn lực đánh bại đối thủ Uber tại khu vực Đông Nam Á có sẵn 600 triệu người tiêu dùng. Giá trị thị trường dịch vụ gọi xe của khu vực này được dự báo sẽ tăng từ 2,5 tỷ USD năm 2015 lên 13,1 tỷ USD năm 2025, theo một báo cáo do Google tham gia biên soạn.
Ông Tan cho biết Grab sẽ tuyển khoảng 200 nhân sự tại Bangalore, nơi hãng sẽ tập trung phát triển công nghệ thanh toán trong vòng hai năm tới. Còn hai văn phòng ở Indonesia và Việt Nam sẽ tập trung vào các sáng kiến phục vụ địa phương. Tại Jakarta, Grab muốn tuyển 150 người trong khi trung tâm tại Việt Nam sẽ bắt đầu hoạt động với một đội ngũ 25 người.
Grab hiện có tổng cộng 2.000 nhân viên, và hãng dự kiến tuyển dụng thêm 800 nhân viên cho 6 văn phòng R&D.
Hiện nay, Grab có khoảng 710.000 tài xế hoạt động ở 39 thành phố Đông Nam Á. Hãng cũng đã đạt 36 triệu lượt tải về ứng dụng điện thoại. Hiện chưa có dữ liệu đáng tin cậy để so sánh thị phần của Grab và Uber tại Đông Nam Á, nhưng xem ra hai hãng này đang trong thế "kẻ tám lạng người nửa cân", theo TechCrunch đánh giá.