|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab cắt ưu đãi của tài xế để tối ưu lợi nhuận

21:54 | 21/05/2022
Chia sẻ
Đơn vị vận hành siêu ứng dụng Grab đã thu hẹp khoản lỗ xuống còn 435 triệu USD trong quý I và công ty đang lên kế hoạch cắt giảm các ưu đãi dành cho cánh tài xế, người bán hàng và người dùng nhằm phục vụ mục tiêu tối ưu lợi nhuận.

 Grab lên kế hoạch cắt giảm ưu đãi nhằm phục vụ mục tiêu tối ưu lợi nhuận. (Ảnh: Nikkei Asia).

Công ty mẹ của ứng dụng Grab sẽ bắt đầu "cắt giảm" các ưu đãi dành cho tài xế từ nửa cuối năm nay khi nguồn cung tài xế ổn định, theo Nikkei Asia.

Động thái này từ Grab là để giành lại được lợi nhuận sau nhiều năm đốt tiền để giữ thị phần. CEO Grab, Anthony Tan cho biết: “Chúng tôi đang tập trung vào việc đáp ứng các mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng bền vững”.

Thông qua kế hoạch "quản lý chi phí có kỷ luật", Grab đặt mục tiêu hòa vốn ở dịch vụ giao hàng trên EBITDA đã điều chỉnh vào cuối năm 2023. Động thái này diễn ra giữa xu hướng chuyển dịch của các nhà đầu tư ra khỏi những công ty tăng trưởng cao nhưng không có lãi trong bối cảnh lãi suất và lạm phát tăng.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Grab là một trong những startup được kỳ vọng nhất của Đông Nam Á lên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Tuy nhiên, kể từ đó, giá trị của công ty đã giảm hơn 70%.

Đơn vị vận hành siêu ứng dụng đặt xe công nghệ này đã báo cáo khoản lỗ 435 triệu USD trong quý đầu tiên, thu hẹp từ mức lỗ 666 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu đạt 228 triệu USD, tăng 6% so với một năm trước đó, do các nền kinh tế Đông Nam Á dần trở lại sau khi các hạn chế do dịch bệnh dần được gỡ bỏ. Doanh số giao hàng tăng 70%, chạm mốc 91 triệu USD nhưng doanh thu từ mảng di động giảm 22% xuống còn 112 triệu USD.

Doanh thu của Grab được thể hiện bằng các ưu đãi dành cho tài xế, người bán hàng và người tiêu dùng. Sự sụt giảm của mảng kinh doanh dịch vụ di động cho thấy Grab đã chi mạnh tay cho các ưu đãi, một phần để thu hút các tài xế quay trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Các khoản ưu đãi dành cho người dùng tăng 85% lên 344 triệu USD, trong khi ưu đãi đối tác (tài xế) tăng 55% lên 216 triệu USD.

Đối với Grab, việc kiểm soát các ưu đãi như vậy là điều rất quan trọng để đạt được lợi nhuận. Năm ngoái, công ty đã chi hơn 1 tỷ USD cho các ưu đãi. Những khoản đầu tư lớn này dẫn đến khoản lỗ hàng năm tăng vọt lên 3,5 tỷ USD, từ mức 2,7 tỷ USD của một năm trước đó.

Dù cho Grab vẫn giữ vị trí dẫn đầu thì sự cạnh tranh có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đạt được lợi nhuận của hãng.

GoTo của Indonesia - thương vụ hợp nhất giữa Gojek và công ty thương mại điện tử Tokopedia đã lên sàn vào tháng 4, trong khi gã khổng lồ công nghệ Sea (công ty mẹ của Shopee) của Singapore cũng đang mở rộng kinh doanh giao đồ ăn.

Đối với thị trường giao đồ ăn Indonesia năm ngoái, Grab kiểm soát khoảng 49%, trong khi Gojek chiếm 43%, theo công ty liên doanh và báo cáo Momentum Works.

Ông Tan cho biết áp lực lạm phát không ảnh hưởng đến nhu cầu. CEO Grab nói: “Chúng tôi chưa thấy nhu cầu đi ngược chiều từ tỷ lệ lạm phát cao hơn. Điều hiển nhiên và có thể quan sát được là giá nhiên liệu ngày càng cao."

Grab ghi nhận sự gia tăng nhẹ về giá và phụ phí ở Singapore và Việt Nam, nhưng cho biết họ "chưa thấy tác động đáng kể đến nhu cầu di chuyển."

Doanh Chính