Google sập trên toàn cầu
Theo The Guardian, Google đã xin lỗi về sự cố cập nhật phần mềm gây ra gián đoạn trong quá trình sử dụng dịch vụ của công cụ tìm kiếm này trên toàn cầu vào sáng 9/8.
Người phát ngôn của công ty cho biết đội ngũ kỹ thuật đã "làm việc nhanh chóng" để giải quyết lỗi và hiện các dịch vụ của Google đã hoạt động trở lại bình thường. Google cho biết: “Chúng tôi đã nắm được sự cố cập nhật phần mềm gây ảnh hưởng đến tính khả dụng của Google Maps và Tìm kiếm của Google”.
"Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này. Chúng tôi đã làm việc để nhanh chóng giải quyết vấn đề và các dịch vụ của chúng tôi hiện đã trực tuyến trở lại”, người phát ngôn Google nói thêm.
Trước đó, sự cố Google sập đã gây ảnh hưởng lớn tới người dùng. Nền tảng báo cáo trực tuyến theo thời gian thực Downdetector cho biết họ ghi nhận lượng báo cáo lớn về Google explorer, công cụ tìm kiếm thống trị trên thế giới từ 8h sáng (giờ Hà Nội). Theo ghi nhận, đã có 4.113 báo cáo được xác nhận về việc Google ngừng hoạt động.
Ngoài ra, một số dịch vụ như Gmail, Google maps và Google images cũng gặp sự cố. Cả hai dịch vụ này đều dựa vào công cụ tìm kiếm của Google để hoạt động.
Theo báo cáo của công ty phân tích xu hướng trên internet ThousandEyes, sự cố ngừng hoạt động của Google đã ảnh hưởng đến ít nhất 1.338 máy chủ trên toàn cầu tại hơn 40 quốc gia bao gồm Mỹ, Úc, Nam Phi, Kenya, Israel, một số khu vực của Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Á bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản.
Sự cố ngừng hoạt động đầu tiên được báo cáo trên ThousandEyes kéo dài khoảng 34 phút trước khi vụ việc tiếp xảy ra vào lúc nửa đêm. Sự cố này đã ảnh hưởng đến một số lượng máy chủ nhỏ hơn và mất khoảng 7 phút để giải quyết.
Do sự cố của Google, một số người dùng đã lên Twitter để bày tỏ sự bối rối của họ, chuyển sang các công cụ tìm kiếm thay thế bao gồm Bing và DuckDuckGo để lướt web.
Dù không công bố lượng truy cập nhưng Google được xem là trang web được truy cập nhiều nhất trên mạng, nhận được hơn 80 tỷ lượt truy cập mỗi tháng.