|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Google mở lớp học kỹ thuật số di động trên xe buýt cho doanh nghiệp Việt

18:03 | 15/08/2019
Chia sẻ
Xe buýt kỹ thuật số là hoạt động mở rộng từ chương trình Việt Nam Digital 4.0 do Google khởi xướng, với sự bảo trợ của Bộ Công Thương nhằm phổ cập tri thức kỷ nguyên số tới 59 tỉnh thành nước ta.

Phổ cập tri thức kỷ nguyên số

Sáng 15/8, Google và Bộ Công Thương chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 (Accelerate Vietnam Digital 4.0). 

Đây là một sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 3 năm.

Khởi động từ 6/2018, Digital 4.0 đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB). 

Chương trình có 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm đào tạo ở các thành phố lớn, bao gồm: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Hải Phòng.

Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, thương mại điện tử nước ta có tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, đạt 8.06 tỉ USD vào năm 2018, chiếm 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

"Số người tham gia mua sắm trực tuyến đạt gần 40 triệu người với mức chi tiêu trung bình khoảng 210 USD/năm", ông thông báo.

Google mở lớp học kỹ thuật số di động trên xe buýt cho doanh nghiệp Việt  - Ảnh 1.

Ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại buổi lễ hôm 15/8. Ảnh: Bùi Mến.

Thứ trưởng khẳng định, việc ứng dụng công nghệ số 4.0 đã, đang và sẽ tạo ra nhiều thay đổi về chất của thương mại điện tử. Điều đó tác động sâu tới diện mạo của hoạt động thương mại, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.

"Với quy mô của nền kinh tế có trên 700.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, việc đào tạo nhân lực có kỹ năng số cho khối này đòi hỏi nỗ lực vô cùng to lớn của nhiều chủ thể cùng tham gia. Chúng ta cần huy động tổng lực nhiều nguồn lực xã hội để đạt mục tiêu tổng thể, vừa đảm bảo đào tạo số lượng lớn người học, vừa đảm bảo chất lượng đầu ra cho nhóm này", ông Hưng nói.

Thứ trưởng cho hay, Bộ Công Thương ghi nhận sáng kiến của Google trong việc mang tri thức kỷ nguyên số tới người Việt, đặc biệt là những đối tượng yếm thế trong xã hội. Ông thể hiện sự tin tưởng vào sự hợp tác giữa Google và Bộ Công Thương sẽ đem lại hiệu quả to lớn để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số ở nước ta.

"Người Việt Nam có thể tiếp cận nhiều hơn với công cụ, dịch vụ, thông tin và khóa đào tạo trực tuyến thì họ có nhiều khả năng biến ước mơ của mình thành hiện thực. Quan hệ hợp tác chiến lược với Bộ Công Thương sẽ đưa chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 lên một tầm cao mới. Kỷ nguyên số đem đến vô vàn cơ hội, và Việt Nam đang ở vị thế tốt để phát huy tiềm lực của mình", Chủ tịch Google Châu Á Thái Bình Dương Scott Beaumont nhìn nhận.

Mô hình đào tạo di động cho doanh nghiệp vùng xa

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cùng Chủ tịch Google Châu Á – Thái Bình Dương Scott Beaumont cắt băng khai trương Digital Bus (Xe buýt kỹ thuật số). Đây là hoạt động mở rộng từ Digital 4.0 nhằm giúp các doanh nghiệp vùng ngoại thành, vùng sâu vùng xa tiếp cận với kiến thức số.

Google mở lớp học kỹ thuật số di động trên xe buýt cho doanh nghiệp Việt  - Ảnh 2.

Chủ tịch Google Châu Á Thái Bình Dương Scott Beaumont (ngoài cùng bên trái) đại diện Google và Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng (ở giữa) đại diện Bộ Công Thương trong buổi lễ. Ảnh: Bùi Mến.

Chuyến xe đào tạo lưu động sẽ đi đến 59 tỉnh thành của Việt Nam trong 18 tháng (từ 8/2019 đến 12/2020). Tại mỗi tỉnh thành, chuyến xe dừng lại năm ngày, mỗi ngày đào tạo 2 buổi vào sáng và chiều với 6 bài học cơ bản về kỹ năng số, kỹ năng mềm hỗ trợ doanh nghiệp. Giảng viên là các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị số.

Ngoài ra, Google còn giới thiệu ứng dụng Primer miễn phí cho người học kỹ năng tiếp thị số. Đặc biệt, phần mềm hoạt động ở cả chế độ ngoại tuyến giúp người học lập kế hoạch kinh doanh, quản lý, bán hàng, quảng cáo, tiếp thị nội dung, xây dựng thương hiệu ở mọi lúc, mọi nơi.

"Người H’Mong được học rất ít nên khó mở doanh nghiệp. Trước đây khi mở công ty, tôi không biết cách tiếp cận khách hàng, không biết kỹ thuật số là gì. Chỉ sau 6 tháng tham gia Việt Nam Digital 4.0, số lượng khách hàng đã tăng từ 15 đến 20%", Tẩn Thị Su – người sáng lập Sapa O’Chau, chia sẻ.

Bùi Mến