Goldman Sachs: Giá dầu Brent có thể đạt mốc 86 USD/thùng vào cuối năm 2023
Theo CNBC, ông Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng: “Chúng tôi dự đoán mức thâm hụt khá lớn trong nửa cuối năm, khoảng 2 triệu thùng/ngày trong quý III do nhu cầu đạt mức cao chưa từng có”.
Goldman Sachs dự báo dầu thô Brent sẽ tăng từ mức trên 80 USD/thùng hiện nay lên 86 USD/thùng vào cuối năm.
Trong khi ông Struyven thừa nhận rằng sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng đáng kể trong năm qua lên 12,7 triệu thùng/ngày, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong suốt phần còn lại của năm 2023.
Ông cho biết: “Chúng tôi dự đoán tăng trưởng nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ chậm lại đáng kể với tốc chỉ 200 thùng/ngày từ nay đến cuối năm, đồng thời số lượng giàn khoan cũng giảm”.
Theomột báo cáo gần đây của Goldman trích dẫn dữ liệu từ Baker Hughes và Haver, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ gần đây đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng, giảm 15% so với mức đỉnh thiết lập hồi cuối năm 2022.
Tuần trước, Baker Hughes đã báo cáo số giàn khoan dầu của Mỹ giảm 7 xuống 530 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.
Các bộ trưởng năng lượng của G20 đã gặp nhau ở Ấn Độ vào cuối tuần qua, nhưng họ không đạt được sự đồng thuận về việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch, làm phức tạp quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Ông Struyven cho biết: “Điểm mấu chốt ở đây đối với các nhà đầu tư là, với sự không chắc chắn về nhu cầu dầu quá cao, họ có thể yêu cầu một khoản phí bảo hiểm để bù đắp cho rủi ro gia tăng do sự không chắc chắn về nhu cầu tăng cao như vậy”.
Trong tháng 6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã dự đoán rằng nhu cầu dầu toàn cầu đang trên đà tăng 2,4 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023, vượt mức tăng 2,3 triệu thùng mỗi ngày của năm trước.
Cuối tuần qua, Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế Joseph McMonigle đã dự báo rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đáp ứng nhu cầu tăng 2 triệu thùng mỗi ngày trong nửa cuối năm 2023.
Ông cho rằnggiá dầu thế giới sẽ tăng trong nửa cuối năm do nguồn cung khó có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Trong khi nhu cầu năng lượng đã nhanh chóng khôi phục về mức trước đại dịch, nguồn cung lại đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp bắt kịp đà hồi phục đó.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý thêm rằng yếu tố duy nhất có thể điều chỉnh giá hiện nay là nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra.