|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường dầu thô đang quá coi thường cuộc nổi loạn của Wagner?

16:06 | 29/06/2023
Chia sẻ
Vụ nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner khiến cả thế giới sửng sốt, nhưng thị trường năng lượng chỉ phản ứng một cách hờ hững.

Ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo của Wagner, từng là người thân cận với Tổng thống Putin. (Đồ họa: Financial Times). 

Nhà đầu tư sợ Fed hơn binh biến tại Nga

Theo tờ CNN, giá dầu thô hiện nay còn thấp hơn trước khi tập đoàn quân sự tư nhân Wagner nổi loạn chống lại chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thị trường dầu mỏ dường như cho rằng cuộc khủng hoảng đã kết thúc. Dòng chảy năng lượng từ Nga sẽ không gặp trở ngại.

Thử thách tới quyền lực của ông Putin không khiến nhà đầu tư quên đi nỗi lo về sự sa sút của nền kinh tế Mỹ dưới tác động của cuộc chiến chống lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Chủ tịch Jerome Powell khởi xướng.

Bà Helima Croft, trưởng bộ phận hàng hóa tại RBC Capital Markets, nói với CNN: “Thị trường dầu mỏ hiện nay sợ Chủ tịch Powell hơn là Tổng thống Putin”.

Trái với phản ứng mờ nhạt hiện nay, năm ngoái các nhà đầu tư cực kỳ nhạy cảm trước khả năng nguồn cung dầu của Nga bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong năm 2022, giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và giảm mạnh khi những mối nguy không trở thành hiện thực.

Bà Croft nói tiếp: “Giờ thì thị trường đang có thái độ kiểu ‘thể hiện đi, đừng chỉ nói suông’. Không ai sẵn lòng đánh giá tác động của cú sốc nguồn cung cho đến khi nó thực sự xảy ra”.

Trong phiên 28/6, giá dầu WTI giảm xuống còn khoảng 68,5 USD/thùng, thấp hơn mức 69,51 USD/thùng vào ngày 22/6, ngay trước khi lãnh đạo của Wagner là ông Yevgeny Prigozhin phát động cuộc binh biến.

 *Giá dầu thô được giao trong tháng gần nhất. 

Bước ngoặt mới?

Một số chuyên gia năng lượng kỳ cựu nghi ngờ rằng một lần nữa thị trường đang phản ứng thái quá, nhưng theo chiều hướng ngược lại với năm 2022. Phải chăng các nhà đầu tư đang quá thờ ơ trước tình hình ở Nga?

Ông Bob McNally, Giám đốc công ty tư vấn Rapidan Energy Group, nhận định: “Chúng tôi cho rằng rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Nga đang tăng lên – dù thị trường đang rất lạc quan”.

Sự gián đoạn thực sự đối với dòng chảy dầu mỏ từ Nga sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với thị trường và cả nền kinh tế thế giới. Nga là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất toàn cầu. Nếu dầu của Nga biết mất khỏi thị trường, nhiều khả năng giá xăng sẽ tăng vọt và khiến áp lực lạm phát phình to trở lại.

Nỗi lo của các chuyên gia là vụ nổi loạn của Wagner sẽ khiến ông Putin buộc phải ra vẻ cứng rắn để không bị coi là kẻ yếu. Ông McNally nói: “Hầu hết mọi người cho rằng ông Putin sẽ hành động kiên nhẫn và dần dần khuất phục Ukraine. Kéo dài cuộc chiến sang nhiều năm. Dùng quy mô lớn của quân đội Nga để đánh bại đối thủ nhỏ hơn.

Nhưng giờ mọi người đang nhận ra rằng có thể ông Putin không đủ khả năng để chơi cuộc chơi dài hạn. Tổng thống Nga có thể phải leo thang chiến sự để tạo ra cái kết cùng những điều khoản hợp ý ông. Và kịch bản này đặt ra rủi ro đến xuất khẩu dầu mỏ của Nga, theo cách trực tiếp lẫn gián tiếp". 

“Chiến thuật nguy hiểm hơn”

Tuy nhiên, việc sử dụng chiến lược quá mạnh bạo cũng sẽ là nước đi rủi ro với ông Putin, khiến ông mất đi sự ủng hộ của Trung Quốc và làm mất lòng giới tài phiệt trong nước.

Thay vì khiến rắc rối leo thang, có thể ông Putin đang hy vọng sẽ kiểm soát được tình hình và thể hiện sự ổn định sau vụ nổi loạn bất ngờ. Trong trường hợp đó, thị trường dầu mỏ đã đúng khi tập trung nhiều hơn vào sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ và các đợt tăng lãi suất của Fed.

Tuy nhiên, chuyên gia Croft của RBC vẫn lo ngại rằng thị trường đang đánh giá quá thấp các rủi ro xoay quanh Nga. Mối lo ngại của bà Croftt là ông Putin có thể chuyển sang “các chiến thuật nguy hiểm hơn” ở Ukraine. Bà lưu ý rằng ông Prigozhin đã chỉ trích gay gắt việc Moscow quyết định không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Bà nói tiếp: “Chiến sự Nga-Ukraine không còn quan trọng với các nhà đầu tư. Họ không nghĩ về vũ khí hạt nhân và không đánh giá mối nguy của chúng”.

Trường hợp của Libya

Dĩ nhiên, nếu Nga thực sự triển khai hạt nhân, thì thế giới sẽ có nhiều mối lo cấp thiết hơn là giá xăng dầu. Bà Croft cho biết một mối lo khác của các quan chức Mỹ là ông Putin sẽ áp dụng thiết quân luật.

Động thái quyết liệt này có thể làm tê liệt các bến cảng của Nga, cắt đứt nguồn cung dầu mỏ và cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác như lúa mì.

Năm 2011, chính quyền Tổng thống Obama đã bị bất ngờ bởi bất ổn tại một nhà sản xuất dầu mỏ khác là Libya. Cuộc nội chiến ở Libya đã khiến các cảng xuất khẩu dầu mỏ của nước này phải đóng cửa. Và dù sản lượng của Libya thấp hơn nhiều so với Nga, giá dầu cũng đã nhảy vọt.

Hiện tại, thị trường dầu mỏ đang cược rằng tình trạng bất ổn sâu sắc như ở Libya sẽ không xuất hiện tại Nga. Nhưng bà Croft cảnh báo: “Thị trường nhắm mắt làm ngơ không có nghĩa là kịch bản xấu không thể xảy ra. Nhưng thị trường sẽ không phản ứng trừ khi rủi ro trở thành thực tế”.

Giang