|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp Trung Quốc bất an sau vụ nổi loạn của nhóm Wagner

08:17 | 28/06/2023
Chia sẻ
Trung Quốc và Nga đã xác nhận mối quan hệ đối tác "không giới hạn" ngay trước khi Moscow tấn công Ukraine. Song, sau cuộc nổi loạn của Wagner hồi cuối tuần qua, tâm lý thận trọng tại Trung Quốc có vẻ đã gia tăng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Moscow hồi đầu năm 2023. (Ảnh: Reuters).

Kêu gọi thận trọng

Khi tin tức về cuộc nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner nổ ra vào ngày 24/6, một số doanh nhân từ miền nam Trung Quốc đã bắt đầu cuống cuồng kêu gọi các nhà máy ngừng vận chuyển hàng hoá đến Nga.

Dù cuộc binh biến đã nhanh chóng kết thúc, một vài doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang đặt câu hỏi rằng liệu họ có quá phụ thuộc tương lai vào Nga, đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc hay không.

Ông Shen Muhui, người đứng đầu cơ quan thương mại đại diện cho các doanh nghiệp ở tỉnh Phúc Kiến, cho hay: “Chúng tôi đã nghĩ sẽ có vấn đề lớn xảy ra”. Chia sẻ với Reuters, ông Shen cho biết các công ty xuất khẩu phụ tùng ô tô, máy móc và hàng may mặc sang Nga đã rất bối rối.

Mặc dù cuộc khủng hoảng ở Nga đã lắng xuống, “một số người vẫn đứng ngoài cuộc vì họ không chắc chuyện gì sẽ xảy ra sau đó”, ông Shen nói thêm và từ chối nêu tên các công ty quyết định tạm dừng giao hàng.

Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ mối lo liên quan đến sự kiện hồi cuối tuần qua và lên tiếng ủng hộ Nga. Trước khi Nga tấn công Ukraine, Moscow và Bắc Kinh đã tuyên bố về mối quan hệ đối tác “không giới hạn”.

Tuy nhiên, vào ngày 26/6, một quan chức hàng đầu của Mỹ cho biết cuộc nổi loạn của nhóm lính đánh thuê Wagner đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc bất an.

Một số nhà phân tích trong và ngoài Trung Quốc đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có cần giảm bớt quan hệ chính trị và kinh tế với Moscow hay không.

Nhà phân tích an ninh Alexander Neill tại Singapore cho hay: “Sự việc đã làm hỏng mối quan hệ ‘không giới hạn’ đó”.

Ông Shen Dingli, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc “sẽ thận trọng hơn với những lời nói và hành động liên quan đến Nga”.

Trọng tâm mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là việc hai nước cùng phản đối một thế giới do Mỹ thống trị cũng như cùng nhận định rằng sự mở rộng của liên minh quân sự NATO đang đe doạ an ninh của họ, theo Reuters.

 

Nhà đầu tư lo lắng

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân xuất khẩu mọi thứ từ ô tô đến điện thoại thông minh sang Nga, và nhận dầu thô giá rẻ từ xứ sở bạch dương.

Kể từ khi quân đội của Tổng thống Vladimir Putin tấn công Ukraine, dầu thô của Nga đã bị tẩy chay tại nhiều thị trường trên thế giới, chỉ một vài nước tiếp nhận chúng như Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong 5 tháng đầu năm nay, mua bán năng lượng đã giúp thương mại giữa Nga và Trung Quốc bật tăng 40%. Song, ngay cả trong lĩnh vực này, vẫn có một số dấu hiệu thận trọng ở Trung Quốc.

Giám đốc cấp cao tại các công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc thường nói còn quá sớm để bình luận hoặc bỏ qua các câu hỏi về những khoản đầu tư mới vào Nga.

Ông Michal Meidan, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho hay: “Nếu Nga thua cuộc tại Ukraine hoặc chứng kiến những thay đổi trong hệ thống lãnh đạo, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một môi trường bất ổn”.

Vị chuyên gia nói chính phủ Trung Quốc dường như cũng đang thận trọng. Ông cho biết Bắc Kinh vẫn chưa ký một thoả thuận nào cho đường ống dẫn khí mới kết nối hai nước dù Moscow đã thúc giục từ lâu.

Dù Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nga, giao dịch thương mại của nước này với các nền kinh tế như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vẫn lấn át hoạt động ngoại thương với Nga.

Ông Wen-Ti Sung, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định: “Bắc Kinh hiện có nhiều lý do hơn để dè dặt...khi giao dịch với Nga. Không ích gì khi đầu tư dài hạn vào một quốc gia không chắc có thể tồn tại lâu dài”.

Khả Nhân