Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến
Theo một báo cáo hàng tuần do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra ngày 6/7, lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước (kết thúc ngày 30/6).
Dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ, không bao gồm Kho Dự trữ Dầu Chiến lược, đã giảm 1,5 triệu thùng trong tuần trước xuống 452,2 triệu thùng, giảm nhiều hơn so với dự báo giảm 1 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Dự trữ xăng và các chế phẩm dầu mỏ của Mỹ cũng giảm.
Tổng dự trữ xăng đã giảm 2,5 triệu thùng so với tuần trước đó và thấp hơn khoảng 7% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này trong năm. Lượng xăng thành phẩm và thành phần pha trộn xăng động cơ trong kho dự trữ đều giảm trong tuần trước. Dự trữ nhiên liệu chưng cất giảm khoảng 1 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này trong năm.
Dự trữ propane/propylene tăng 1,6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn khoảng 26% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này trong năm. Tổng lượng xăng dầu thương mại dự trữ giảm 2,8 triệu thùng trong tuần trước.
Các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã sử dụng lượng dầu thô đạt trung bình 16 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 30/6, ít hơn 224.000 thùng/ngày so với mức trung bình của tuần trước.
Trong khi đó, báo cáo Dữ liệu Dầu khí hàng tuần cho biết các nhà máy lọc dầu đã hoạt động ở mức 91,1% công suất trong tuần trước. Cả sản lượng xăng và nhiên liệu chưng cất đều tăng trong tuần trước, trung bình lần lượt là 10,3 triệu thùng/ngày và 4,9 triệu thùng/ngày.
Giá dầu thế giới gần như đi ngang trong phiên 6/7, trong bối cảnh thị trường bị sức ép trước tình trạng nguồn cung dầu thô của Mỹ thắt chặt hơn và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất - nhân tố có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết mặc dù số liệu về dự trữ xăng dầu hỗ trợ thị trường, song thị trường dầu hiện đang bị chi phối bởi những lo ngại về khả năng lãi suất tiếp tục tăng. Điều này xảy ra vào thời điểm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, trong đó đặc biệt là Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và Nga, đang nhắc lại cam kết hạn chế sản xuất và xuất khẩu.