|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Gợi mở cách chọn lựa đầu tư 2017

07:48 | 04/01/2017
Chia sẻ
Vẻ đẹp của TTCK nằm ở sự đa dạng của các nhận định. Chính những nhận định khác biệt đã tác động đến cung cầu của nhà đầu tư, tạo nên sự sôi động của dòng chảy vốn. Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu góc nhìn của một số chuyên gia về triển vọng 2017 để bạn đọc cùng tham khảo và chiêm nghiệm.

Tăng trưởng lợi nhuận của DN niêm yết năm 2017 có thể từ 10% - 12%

goi mo cach chon lua dau tu 2017
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp,CTCK Ngân hàng TMCP Quân đội (MBS)

Năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, xuất khẩu tăng trưởng 6 – 7%, điều hành lạm phát ở mức hợp lý khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức khá 18% - 20%. Những định hướng và mục tiêu này sẽ góp phần duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, là môi trường tốt để hệ thống doanh nghiệp tiếp tục cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trên TTCK, kết thúc năm 2016 ghi nhận mức độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết khoảng 8%. Trên đà đó, với triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tiếp tục tích cực và dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng mạnh khi nhiều doanh nghiệp lớn có hiệu quả kinh doanh tốt sẽ niêm yết trong năm 2017, tôi cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2017 có thể khả quan hơn năm 2016 để đạt mức tăng trưởng từ 10% - 12%.

Kỳ vọng từ việc đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ giúp tăng mạnh quy mô TTCK Việt Nam năm 2017. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn đưa tổng quy mô thị trường cổ phiếu lên trên 40% GDP.

Mặt khác, việc hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ cho TTCK: chứng khoán phái sinh, rút ngắn thanh toán, giao dịch trong ngày, tiếp tục mở room các ngành nghề không có điều kiện, mở rộng các lĩnh vực không giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.

Đây được xem là những bước đi quan trọng trong tiến trình tiến nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nếu thực hiện thành công mục tiêu lớn này thì TTCK Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đón dòng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2017 – 2020, giúp thị trường tăng trưởng mạnh trong dài hạn.

Tôi tin rằng năm 2017 sẽ là một năm tăng trưởng tích cực của TTCK Việt Nam, thậm chí sẽ là năm đột phá về quy mô, mở rộng về sản phẩm dịch vụ so với giai đoạn trước, giúp thị trường từng bước tiến tới mục tiêu nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều cơ hội ở các cổ phiếu mới như Tổng công ty Dược, Tổng công ty Xây dựng số 1, Mobifone, Petrolimex…

goi mo cach chon lua dau tu 2017
Ông Thái Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Công thương

Năm 2017 là một năm đặc biệt bởi khả năng có nhiều biến động vĩ mô trên thế giới. Tâm điểm sẽ là các chính sách kinh tế - chính trị của Mỹ, dưới sự điều hành của tân Tổng thống Donald Trump. Các chính sách này sẽ có tác động trực tiếp đến hàng loạt vấn đề lớn khiến dòng vốn đầu tư trên thế giới năm 2017 sẽ có biến động theo các diễn biến vĩ mô.

Dù vậy, các thị trường có tiềm năng tăng trưởng, trong đó có Việt Nam, vẫn luôn có sức hút và dự kiến sẽ vẫn là điểm đến của dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Sức hút này đến từ một số yếu tố như: Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước, trên thị trường niêm yết sẽ xuất hiện nhiều DN chất lượng cao, vốn hóa và thanh khoản của thị trường sẽ tăng… Cùng với đó, cơ quan quản lý chú trọng việc nâng hạng thị trường lên mới nổi, nhiều sản phẩm mới dành cho nhà đầu tư, trong đó có sản phẩm được khối ngoại quan tâm như Covered Warrant.

Trước bối cảnh đó, Công ty chúng tôi (VietinBankSc) tiếp tục giữ quan điểm đầu tư cơ bản chính là chìa khóa để thành công bền vững. Năm 2017 thị trường sẽ có nhiều dao động theo các diễn biến vĩ mô trong nước và thế giới, vì vậy việc đầu tư lướt sóng, theo tin đồn, không bám sát tình hình kinh doanh của doanh nghiệp… sẽ rất khó khăn. Ngược lại, các nhà đầu tư cơ bản sẽ tìm thấy nhiều cơ hội ở các cổ phiếu mới IPO hoặc niêm yết, trong đó có những cổ phiếu hấp dẫn như Tổng công ty Dược, Tổng công ty Xây dựng số 1, Mobifone, Petrolimex…

Trên sàn niêm yết, chúng tôi tin rằng cũng có nhiều cơ hội ở các ngành hàng thực phẩm (Sabeco, Vinamilk), hàng gia dụng – cá nhân (DQC, PNJ, PAC), hàng hóa cơ bản như cao su (PHR, DPR, TRC) hoặc mía đường (LSS, SLS), các ngành hàng vật liệu xây dựng và gia dụng như nhựa (BMP, NTP, DAG), tôn - thép (HPG, HSG)…

Năm 2017, VietinBankSc sẽ tiếp tục khai thác thế mạnh này để hỗ trợ NĐT tiếp cận được gần nhất và hiểu biết rõ nhất về doanh nghiệp, từ đó giúp NĐT lựa chọn những cơ hội đầu tư giá trị.

Những cái tên lớn sẽ tạo ra độ hấp dẫn lớn với dòng vốn chuyên nghiệp

goi mo cach chon lua dau tu 2017
Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Nghiên cứu và phân tích CTCK Bản Việt (VCSC)

Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ròng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ do lo ngại vấn đề tỷ giá. Nhưng, GDP của Mỹ đã tăng trưởng khá tốt, đạt 3,5% trong quý vừa qua, cho thấy Mỹ sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế trong nước và đồng Việt Nam, nên tôi cho rằng VND sẽ có diễn biến ổn định trong năm 2017, có thể chỉ trượt giá tối đa 3%. Điều này sẽ giúp kéo dòng tiền nước ngoài quay trở lại thị trường.

Hiện xuất hiện những quan ngại rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiến hành các chính sách bảo hộ và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi khá lạc quan về vấn đề này, nền kinh tế Mỹ với mức tăng trưởng GDP cao, đạt 3,5% và tỷ lệ thất nghiệp 4,6% là thông tin rất tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh Mỹ, diễn biến kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ có một mức độ ảnh hưởng nhất định đến TTCK Việt Nam. Trung Quốc hiện đang trải qua giai đoạn thoái vốn nước ngoại mạnh, tạo ra áp lực lên đồng Nhân dân tệ, trong khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã từng công khai chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ. Chúng ta chưa thể dự đoán chính xác rằng thị trường toàn cầu sẽ phản ứng ra sao trong tình huống này.

Ngoài vấn đề chính sách vĩ mô, tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có phần thất vọng trong đợt thoái vốn khỏi Vinamilk vừa qua. Vinamilk luôn là cổ phiếu được chú ý nhiều nhất trong việc thu hút vốn ngoại trong vài năm qua và tất cả các quỹ đầu tư đều quan tâm đến cổ phiếu này. Tuy nhiên, đợt đấu giá cổ phiếu VNM có quá nhiều quy định phức tạp và mức yêu cầu đặt cọc cao, nên rốt cuộc chỉ có Tập đoàn F&N là người tham gia duy nhất. Tôi cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ hào hứng tham gia hơn, nếu quy trình đấu giá được thực hiện đơn giản hơn.

Ở góc nhìn tích cực, tôi cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến các doanh nghiệp lớn mới được niêm yết và sự trỗi dậy của sàn UPCoM. Những tên tuổi lớn như Sabeco, Vietjet và Novaland… tạo ra cơ hội đầu tư lớn cho nhà đầu tư nước ngoài. Sàn UPCoM sắp tới sẽ chào đón nhiều ông lớn niêm yết như Vietnam Airlines, Techcombank và VPBank… Trong những năm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài thường phàn nàn rằng, Việt Nam có ít doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, mức độ thanh khoản và tiềm năng tăng trưởng tốt để họ rót tiền đầu tư, nên những cái tên mới này sẽ tạo ra độ hấp dẫn rất lớn.

Xu hướng đầu tư cổ phiếu OTC, cổ phiếu mới niêm yết sẽ lan rộng hơn trong năm 2017

goi mo cach chon lua dau tu 2017
Bà Đoàn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt (VDSC)

Trong các kênh đầu tư hiện nay, ngoại trừ bất động sản có thể được xem là một hình thức đầu tư ở Việt Nam thì các kênh còn lại như USD, vàng, ngân hàng thì có thể xem như một hình thức tiết kiệm hơn là đầu tư để sinh lợi tốt.

Năm 2017, chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục hấp dẫn dù việc chọn lọc cơ hội sẽ không dễ dàng. Thị trường chứng khoán năm 2016 diễn ra khá thuận lợi. Thị trường giảm mạnh trong khoảng thời gian 2 tháng đầu năm nối tiếp giai đoạn cuối năm 2015, phần lớn nhà đầu tư đang nắm giữ lượng tiền mặt tương đối dồi dào để giải ngân đúng vùng giá hấp dẫn, khi PE của VN-Index chỉ khoảng 12 lần. Sau đó như chúng ta đã nhận thấy, giá dầu hồi phục cùng với động thái khối ngoại mua ròng, thị trường đã tăng rất tốt.

Thị trường đang chứng kiến một làn sóng đầu tư vào nhóm cổ phiếu chuẩn bị niêm yết, thổi lên mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm 2016. Hoạt động mua bán các cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) diễn ra khá sôi động. Chúng tôi cho rằng, xu hướng đầu tư vào cổ phiếu trên OTC, cổ phiếu mới niêm yết có thể sẽ lan rộng hơn nữa trong năm 2017. Bên cạnh đó, những cổ phiếu đã niêm yết từ trước đến nay vẫn sẽ có những câu chuyện tăng trưởng riêng trong năm 2017, đủ để nhà đầu tư lựa chọn tùy theo khẩu vị của mình.

Chẳng hạn, nhóm ngành thực phẩm đồ uống, hàng tiêu dùng, bán lẻ, logistic & vận tải được đánh giá tương đối dễ đầu tư khi động lực chính cho nhóm này là nhu cầu tiêu dùng tăng cùng với thu nhập cải thiện trong một nền kinh tế có cơ cấu dân số trẻ.

Mặt khác, yếu tố về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu cơ bản của nền kinh tế vẫn tiếp tục được chú trọng. Do vậy, tuy không còn “nóng sốt” như 2 năm vừa qua, nhóm xây dựng & VLXD, bất động sản, hạ tầng, bảo hiểm và công nghiệp vẫn có khả năng duy trì hoạt động ổn định trong năm 2017.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành có xu hướng hưởng lợi từ việc tăng giá của hàng hóa như dầu khí, cao su tự nhiên, nông nghiệp có thể được cân nhắc dựa vào chuyển động về giá cũng như nhu cầu đối với các nhóm hàng hóa này. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý nhóm ngành này thường có độ biến động khá lớn và việc nắm giữ dài hạn chỉ nên được cân nhắc khi xu hướng được xác lập rõ ràng.

Phạm Nhi

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.