|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp: Tránh làm theo phong trào

09:06 | 09/05/2017
Chia sẻ
“Hiện nay, các ngân hàng đã cho vay 26.000 tỷ đồng theo gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao.
goi 100000 ty dong cho nong nghiep tranh lam theo phong trao
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tín dụng cho công nghệ cao trong nông nghiệp đã đạt 26.000 tỷ đồng.

Khi cho vay, các ngân hàng đều phải tính đến hiệu quả đầu ra, tránh làm theo phong trào, dẫn đến tình trạng nợ xấu”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết.

PV: 4 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng tới 4,86%, cao nhất trong 6 năm gần đây. Mức tăng trưởng tín dụng này có ý nghĩa thế nào với hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Tất nhiên cùng với mở rộng đầu tư, tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với tăng trưởng tín dụng, để hạn chế nợ xấu, chất lượng tín dụng rất được chú trọng, đặc biệt là lĩnh vực tín dụng. Vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, đẩy tỷ lệ tín dụng cho sản xuất lên tới 88%. Hay như tín dụng cho công nghệ cao trong nông nghiệp cũng là một ví dụ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn tín dụng cho lĩnh vực này đã đạt 26.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng cũng được chỉ đạo hạn chế tối đa tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… để đưa tín dụng vào sản xuất, tăng chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro, giảm nợ xấu và quan trọng là hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP. Đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng đã vào khoảng 5%, là mức tăng tích cực nhất trong 6 năm qua. Các năm trước, tín dụng hay tăng vào cuối năm, có năm chỉ tăng 2 – 3% trong mấy tháng đầu năm. Do đó, chúng tôi đánh giá ở góc độ vốn đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất từ đầu năm là hết sức tích cực.

goi 100000 ty dong cho nong nghiep tranh lam theo phong trao
Ông Đào Minh Tú

PV: Nhưng việc tăng trưởng tín dụng cao như vậy có gây áp lực cho huy động vốn hay không?

Ông Đào Minh Tú: Đương nhiên khi tăng trưởng tín dụng thì nguồn vốn huy động của các ngân hàng cũng phải đáp ứng mới có nguồn để cho vay. Với khả năng huy động hiện nay của các ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng vẫn được đáp ứng hài hòa. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, tương xứng nên thanh khoản của các ngân hàng vẫn đảm bảo. Chúng tôi vẫn kiểm soát được toàn bộ các chỉ tiêu vĩ mô.

PV: Trong việc tập trung tín dụng cho nông nghiệp, sản xuất, gói 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Hiện nay có 8 ngân hàng thương mại đã đăng ký số vốn hơn 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao đạt con số tương đối lớn là 26.000 tỷ đồng, với 4.021 khách hàng (3.957 khách hàng cá nhân, 64 doanh nghiệp). Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 21.700 tỷ đồng, chiếm 84% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.300 tỷ đồng. Hiện nay, chưa phát sinh nợ xấu với lĩnh vực này.

Vừa qua, NHNN đã ban hành Quyết định 813 ngày 24/4 trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những điều kiện, quy định cho vay theo gói này để tránh việc lợi dụng do lãi suất vay thấp hơn thông thường từ 1 đến 1,5%/năm.

PV: Liên quan đến cho vay nông nghiệp công nghệ cao, một số ý kiến cho rằng nếu nhiều doanh nghiệp vay vốn để sản xuất sản phẩm tương tự người nông dân vẫn làm, như vậy có thể khiến thị trường bị bão hoà, sản phẩm khó tiêu thụ. Vậy khi cho vay ngân hàng có tính đến các yếu tố này không?

Ông Đào Minh Tú: Đây cũng chính là điều mà chúng tôi quan tâm. Khi cho vay, các ngân hàng đều phải tính đến hiệu quả, xem sản phẩm có tiêu thụ được, người vay có trả nợ được không. Ví dụ như vừa qua, thịt lợn khó tiêu thụ, lập tức nợ xấu xuất hiện. Nếu như sản xuất, đầu tư không phù hợp nhu cầu thị trường, nhu cầu của nền kinh tế thì không tiêu thụ được. Muốn thế phải tránh làm theo phong trào. Ở góc độ tổng thể của nền kinh tế, chúng tôi cũng phải phân tích đâu là điểm ngưỡng hài hòa giữa cung và cầu. Tất nhiên điều tra được nhu cầu của nền kinh tế, nhất là với sản phẩm sạch là rất khó. Đối với sản phẩm thiết yếu, bắt buộc phải tiêu dùng, việc điều tra dễ hơn. Còn với sản phẩm chất lượng cao thì có thể có sản phẩm thay thế nên việc tính toán khó khăn hơn. Ngành Ngân hàng cũng luôn lo lắng, tính toán vấn đề này để tránh tình trạng đầu tư quá mức.

PV: Với quy mô nền kinh tế hiện nay, gói cho vay 100.000 tỷ đồng theo ông đã phù hợp chưa?

Ông Đào Minh Tú: Hiện nay mới có một số dự án bắt đầu triển khai, mà chủ yếu là các dự án vừa và nhỏ, ít dự án mới với quy mô lớn. Vì thế, chưa thể nói gói 100.000 tỷ đồng là đủ hay thiếu, thừa. Nếu sản phẩm có điều kiện xuất khẩu, mở rộng thị trường ra nước ngoài thì 100.000 tỷ đồng chưa chắc là lớn. Nhưng ngược lại, nếu chỉ giải quyết chuyện cung cấp sản phẩm sạch, công nghệ cao cho thị trường trong nước thì có thể chưa cần dùng hết gói 100.000 tỷ đồng trong 1 năm.

PV: Xin cảm ơn ông!

H.Y