Góc nhìn chuyên gia: Khó có kịch bản đảo chiều giảm 200 điểm như tháng 9/2023
Chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần giao dịch 18 - 22/3 với tâm lý bi quan bao trùm. VN-Index rơi sâu, trong phiên sáng có lúc giảm 41 điểm về 1.222 điểm). Tuy nhiên, lực hồi phục xuất hiện trong phiên chiều. Chỉ số kết phiên tại 1.243 điểm, giảm 20 điểm, tương đương 1,6% so với cuối tuần trước. Đà giảm thu hẹp phần nhiều nhờ cú lội ngược dòng của một mã bất động sản như VIC, VRE, DIG.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về sắc đỏ. Sàn HOSE có 407 mã giảm, 103 mã tăng và 49 mã đứng giá. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index cùng giảm 1,2% với số mã giảm gấp đôi lượng tăng giá.
Thanh khoản tăng cao trước đà bán tháo của nhà đầu tư. Sàn HOSE ghi nhận khối lượng khớp lệnh 1,616 tỷ cp, cao thứ hai lịch sử (chỉ thấp hơn phiên 18/8/2023 với 1,646 tỷ cp). Giá trị giao dịch trên HOSE vượt 43.000 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích của CTCP FIDT, chỉ ra nhiều yếu tố đã tác động đến thị trường.
Thứ nhất là câu chuyện tín phiếu. Theo thống kê trong quá khứ, thị trường chứng khoán thường điều chỉnh khi Ngân hàng Nhà nước hút tiền thông qua phát hành tín phiếu với giá trị vượt 100.000 tỷ đồng. Trong khoảng một tuần trở lại đây, con số này hút vào đã đạt khoảng 75.000 tỷ đồng.
Thứ hai, yếu tố tỷ giá vẫn neo cao tiếp tục ảnh hưởng tâm lý thị trường. Nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng trước cuộc họp bất thường của Quốc hội dự kiến diễn ra trong tuần này.
Thêm vào đó, ông Phương cho biết trong ngắn hạn thị trường sắp có hai sự kiện là phiên đáo hạn phái sinh và quan trọng hơn là thông tin từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần này. Theo nhiều dự báo, dựa trên số liệu lạm phát gần đây, Fed có thể có thông điệp như thị trường kỳ vọng, ví dụ như giảm lãi suất. “Các yếu tố cộng gộp đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.”, Giám đốc FIDT nhận định.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KBSV, đồng thuận các yếu tố trên đã dẫn đến cú giảm điểm cùng thanh khoản bùng nổ.
Theo quan điểm ông Đức Anh, nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường là cần thiết để giải toả áp lực chốt lời và đưa về vùng giá tích luỹ đủ hấp dẫn. Dù vậy, thị trường được dự báo sẽ không điều chỉnh sâu, và triển vọng tăng giá trong năm 2024 vẫn được bảo toàn khi hai động lực tăng trưởng chính là nền lãi suất thấp, sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang được duy trì.
Chuyên gia KBSV khuyên nhà đầu tư ngừng sử dụng đón bẩy ký quỹ (margin), hạ tỷ trọng (từ mức cao) là cần thiết nhằm quản trị rủi ro cho danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, việc bán tháo toàn bộ danh mục bằng mọi giá ở thời điểm hiện tại là không cần thiết khi triển vọng thị trường trong trung hạn vẫn đang được đánh giá tích cực, và các yếu tố gây áp lực lên thị trường phần nhiều là yếu tố tâm lý.
Thay vào đó, nhà đầu tư có thể tận dụng phiên điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục tập trung ở các cổ phiếu cơ bản, hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Xu hướng giảm từ đỉnh gợi nhà đầu tư nhớ đến cú giảm hơn 200 điểm vào tháng 9 - 10/2023 (VN-Index từ 1.245 điểm về dưới 1.030 điểm). Ông Huỳnh Hoàng Phương chỉ ra khác biệt đáng kể so với thời điểm tháng 9/2023 là bối cảnh thị trường. Các số liệu về kinh tế cho thấy sự phục hồi khá vững chắc về xuất nhập khẩu, PMI... rất khác so với trước đó.
“Với bối kinh tế vĩ mô như vậy, tôi cho rằng nhịp điều chỉnh lần này sẽ không tiêu cực như tháng 9/2023. Nhà đầu tư không nên đoán đáy, mà cần chú tâm vào quản trị rủi ro và cơ hội ra sao. Với những nhà đầu tư đang giữ nhiều tiền mặt từ trước hoặc vừa chốt lãi, cần quan sát và có thể tham gia lại trong thời gian tới. Theo tôi nhịp điều chỉnh có thể chỉ diễn ra khoảng 1 tuần này. Trường hợp điều chỉnh nhanh thì việc tham gia lại cũng nhanh.”, ông Phương chia sẻ.
Bàn về cơ hội, chuyên gia FIDT đưa một số ý tưởng như xuất nhập khẩu, dựa trên số liệu cho thấy sự hồi phục của lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngành bất động sản cũng có dấu hiệu trở mình hơn trước. Nhiều cổ phiếu bất động sản đã tích lũy khá dài trước đó.