|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Dòng tiền tăng về lượng nhưng giảm về chất, vốn ngoại khó quay trở lại thị trường

11:50 | 01/03/2022
Chia sẻ
Mặc dù dư nợ margin tăng mạnh trong 3 quý cuối năm 2021, số dư margin trên mỗi tài khoản tăng thêm giảm mạnh từ 70 triệu đồng trong quý II/2021 xuống còn 54 triệu đồng trong quý IV/2021.

Trái với sự bùng nổ trong năm 2021, số lượng tài khoản mở mới hạ nhiệt ngay khi bắt đầu năm 2022. Cùng với đó, nhà đầu tư cùng dè dặt đổ tiền vào kênh chứng khoán khi thanh khoản trung bình chỉ đạt khoảng 20.000 tỷ đồng/phiên trong hai tháng đầu năm. 

Trong hội thảo "Triển vọng đầu tư năm 2022 - FiinGroup Invest Summit", bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup đã có nhận định về triển vọng thanh khoản thị trường trong năm 2022. 

Theo bà Vân, với mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến đạt 20%, mức khá tích cực trên nền cao của năm 2021, thị trường cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022.

Theo khảo sát của FiinGroup tại một số công ty chứng khoán lớn, các doanh nghiệp này đang xây dựng kế hoạch kinh doanh trên kịch bản thanh khoản đạt 30.000 tỷ đồng/phiên trong năm nay, tăng 23% so với năm 2021.

Dựa trên kỳ vọng thanh khoản cải thiện và hệ thống KRX sớm đi vào hoạt động, các công ty chứng khoán đồng loạt huy động vốn, đẩy mạnh đi vay và lên kế hoạch phát hành vốn để chuẩn bị sẵn nguồn vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ của khách hàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư không thể kỳ vọng thanh khoản sẽ đạt được mức tăng trưởng như năm 2021.

Góc nhìn chuyên gia: Dòng tiền tăng về lượng nhưng giảm về chất, vốn ngoại khó quay trở lại thị trường - Ảnh 1.

(Nguồn: Hội thảo "Triển vọng đầu tư năm 2022 - FiinGroup Invest Summit").

Với góc nhìn thận trọng hơn, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho rằng mặc dù dư nợ margin tăng mạnh trong 3 quý cuối năm 2021, nhưng khi đặt trong mối tương quan với giá trị mua ròng của NĐT cá nhân thì dòng tiền không tăng tương ứng. 

Cụ thể, số lượng tài khoản mở mới tăng trung bình đạt 10%/quý nhưng số dư tiền gửi trên mỗi tài khoản chỉ tăng thêm khoảng vài triệu đồng. Đáng chú ý, số dư margin trên mỗi tài khoản tăng thêm giảm mạnh từ 70 triệu đồng trong quý II/2021 xuống còn 54 triệu đồng trong quý IV/2021. 

Theo đó, ông Tường nhận định giá trị mua ròng/số lượng tài khoản của NĐT cá nhân đang tăng về lượng chưa tăng về chất.

Góc nhìn chuyên gia: Dòng tiền tăng về lượng nhưng giảm về chất, vốn ngoại khó quay trở lại thị trường - Ảnh 2.

(Nguồn: Hội thảo "Triển vọng đầu tư năm 2022 - FiinGroup Invest Summit").

Nhìn xa hơn đến năm 2022, dòng tiền thực chất đang rút khỏi thị trường, đồng thời chất lượng NĐT mới giảm đi. Để có thể thu hút dòng tiền trở lại, thị trường cần có cú hích, ví dụ như chính sách tiền tệ được nới lỏng, chương trình thoái vốn, hệ thống giao dịch mới, giao dịch T0. 

Dòng tiền nước ngoài khó quay trở lại

Sau năm bán ròng kỷ lục, khối ngoại bắt đầu giải ngân trở lại vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên, lực mua không đủ lớn để có thể kéo đà tăng của chỉ số. 

Theo ông Đào Phúc Tường, Việt Nam sẽ khó thu hút được dòng tiền nước ngoài trong năm 2022 do các thay đổi chính sách của Fed, do đó và các quỹ và NĐT ngoại cần phải cơ cấu lại danh mục của mình. Nguyên nhân là khi lãi suất tăng, những thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam luôn có rủi ro cao hơn.

Thứ hai, dòng tiền nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm gần đây đa phần từ dòng tiền châu Á chứ không từ Bắc Mỹ và châu Âu. Câu chuyện nâng hạng thị trường trì hoãn nhiều năm, bản thân dòng tiền châu Á (từ Hàn Quốc, Đài Loan) không có tính bền vững, cùng với đó Việt Nam chưa có câu chuyện mới nên khó có thể thu hút NĐT nước ngoài. 

Bảo Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.