|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: 2022 là năm của doanh nghiệp nhóm thủy sản, dệt may

13:38 | 29/04/2022
Chia sẻ
Với nhóm ngành hàng hoá hưởng lợi từ xuất khẩu như thuỷ sản và dệt may, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam đánh giá năm 2022 sẽ là năm tăng trưởng mạnh bởi biên lợi nhuận gộp của nhóm xuất khẩu đang tăng trưởng tốt trở lại khi lĩnh vực xuất khẩu dịch chuyển dần sang Mỹ, một thị trường chịu chi hơn so với Trung Quốc.

 

Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).

Thị trường chứng khoán trong nước đã có hai phiên ngược dòng khá ngoạn mục với cùng một kịch bản điều chỉnh sâu vào buổi sáng và bứt phá mạnh cuối phiên chiều, giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại khoảng 90 điểm kể từ vùng thấp nhất tính từ tháng 7 năm ngoái đến nay.

Động lực đang đến từ nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, tâm lý nhà đầu tư vẫn có sự thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh lực cầu của nhà đầu tư chưa gia tăng trở lại sau chuỗi giảm thời gian vừa qua.

Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết áp lực của thị trường trong thời gian vừa qua nằm ở câu chuyện giải chấp của các công ty chứng khoán.

Khi VN-Index giữ được mức 1.300, áp lực giải chấp này sẽ có chiều hướng giảm. Thông thường, áp lực giải chấp chỉ gia tăng khi đà giảm của thị trường tiếp tục bị mở rộng. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ cũng đã chững lại đà giảm, thậm chí nhiều cổ phiếu đang dần xác lập đà tăng, giúp giảm đi đáng kể áp lực giải chấp lên nhóm cổ phiếu này.

Với một thị trường đầu cơ và một nhóm ngành đầu cơ thì sẽ rất dễ bị tác động bởi thông tin. Mặc dù tình hình doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhưng chỉ cần có thông tin kém tích cực là có thể dẫn đến tình trạng bán tháo do các nhà đầu tư đa phần đều đầu tư theo FOMO.

Vì đâu cổ phiếu ngân hàng bị bỏ quên?

Hai tuần gần đây, các ngân hàng đang tổ chức kỳ đại hội cổ đông, công bố kết quả kinh doanh quý I cũng như kế hoạch cho năm 2022. Đa phần lợi nhuận của các ngân hàng tăng trưởng rất là tốt so với quý I năm ngoái tuy nhiên hiện tại nhóm ngân hàng vẫn im hơi lặng tiếng.

Lý giải điều này, ông Minh chia sẻ năm 2022, nhiều khả năng lãi suất sẽ có dấu hiệu tăng nhẹ trong bối cảnh chung của cả nền kinh tế khi Fed có những chiến lược thắt chặt chính sách tiền tệ. Sau giai đoạn dịch COVID-19, nhu cầu tăng trưởng tín dụng trở lại và mức huy động của ngân hàng không đảm bảo rất có khả năng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống của cả ngân hàng.

Ngoài ra, nhóm ngân hàng đã có chuỗi chu kỳ tăng rất nóng trong 6 tháng đầu năm 2021 vì vậy nhiều người cho rằng sóng của ngân hàng đã hết và có xu hướng rút ra, dịch chuyển sang những nhóm cổ phiếu khác. Trong khi đó, tháng 11, 12, nhóm cổ phiếu bất động sản lại thu hút dòng tiền vô cùng tốt khiến nhà đầu tư bị cuốn đi, bỏ quên mất dòng ngân hàng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Triển vọng tích cực với nhóm hàng hóa

Với nhóm cổ phiếu hàng hoá, Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam phân làm hai loại là nhóm thành phẩm và nhóm giá nguyên liệu đầu vào.

Hiện nay, giá hàng hoá đang có dấu hiệu chững lại sau chuỗi tăng nóng vừa qua tuy nhiên mức tăng trưởng trung bình so với năm 2021 vẫn khá cao khi nhiều nhóm cổ phiếu ở lĩnh vực sản xuất hồi phục trở lại, nhu cầu phân bón có chiều hướng tăng lên và căng thẳng Nga-Ukraine chưa được hạ nhiệt bởi Nga và Ukraine chiếm tỷ trọng rất cao trong việc xuất khẩu phân bón của Việt Nam.

Về nhóm ngành hàng hoá hưởng lợi từ xuất khẩu như thuỷ sản và dệt may, ông Minh đánh giá năm 2022 sẽ là năm tăng trưởng mạnh bởi biên lợi nhuận gộp của nhóm xuất khẩu đang tăng trưởng tốt trở lại khi lĩnh vực xuất khẩu dịch chuyển dần sang Mỹ, một thị trường chịu chi hơn so với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả kinh doanh của ngành phân bón trong quý đầu năm nay rất ấn tượng, điển hình như Đạm Phú Mỹ (DPM) tăng trưởng 1,071% so với quý I/2021. Mức tăng trưởng trung bình cũng rất cao, Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC), DAP-Vinachem (Mã: DDV) hay Hóa chất Việt Trì (Mã: HVT) đều tăng 300 – 400%.

Câu chuyện phản ánh về giá sẽ nằm ở hai vấn đề là định giá và tăng trưởng của các doanh nghiệp. Xét đến định giá, năm nay sẽ là năm tăng trưởng trở lại, đặc biệt với lĩnh vực xuất khẩu.

Với ngành thuỷ sản nói chung, sau đợt dịch COVID-19, nguồn cung bị hạn chế bởi nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản giảm bớt sản lượng, không thể quay lại được ngay khi nhu cầu chưa phục hồi, từ đó tạo vùng trũng cho giá bán thành phẩm của các mặt hàng như cá tra, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản được hưởng lợi lớn.

Thảo Bùi