|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì đâu thanh khoản thấp kỷ lục dù nhiều mã xanh tím?

20:32 | 28/04/2022
Chia sẻ
Bàn về trạng thái “tắt thanh khoản” trong vài phiên gần đây, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết nhà đầu tư dường như đang chịu một cú sốc đau đớn sau hai năm chiến thắng thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay (28/4) tiếp tục chứng kiến một phiên thanh khoản thấp kỷ lục, hiện tại vẫn chưa thấy sự xuất hiện của dòng tiền lớn nên xu hướng phân hóa đang lan tỏa tại các nhóm ngành.

Trong phiên hôm nay, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 13.059 tỷ đồng giảm hơn 1.200 tỷ đồng so với phiên trước, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Tổng cộng có 485 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 689 triệu cổ phiếu 10 phiên trước đó. Tính chung toàn thị trường thì thanh khoản đạt 16.063 tỷ đồng, giảm gần 9% so với phiên liền trước. 

Giá trị giao dịch trên HOSE từ đầu tháng 4 đến nay. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Đáng nói, tình trạng thanh khoản “mất hút” được chứng kiến rõ nhất trong 3 phiên gần đây, khi thị trường xuất hiện nhịp hồi phục sau chuỗi trượt dốc 218 điểm từ vùng đỉnh lịch sử của VN-Index.

Theo nhận định của giới chuyên gia, VN-Index giao dịch uể oải với thanh khoản cạn kiệt do lượng hàng kẹp ở bên trên còn rất nhiều trong khi dòng tiền sau đợt bán giải chấp vẫn chưa sẵn sàng quay lại thị trường. Điều này phần nào cho thấy bên bán hạ nhiệt song bên mua vẫn không hứng khởi hơn.

Bàn về trạng thái “tắt thanh khoản” trong vài phiên gần đây, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết nhà đầu tư dường như đang chịu một cú sốc đau đớn sau hai năm chiến thắng thị trường. Trong những phiên gần đây chúng ta thấy được một mốc quan trọng của chỉ số là ngưỡng 1.300 điểm và hiện tại VN-Index vẫn giữ vững được mốc hỗ trợ này.

Trước việc một bộ phận nhà đầu tư cho rằng dòng tiền đang có xu hướng cash out trước kỳ nghỉ lễ, ông Minh cho rằng với những nhà đầu tư không thực hiện cắt lỗ mà vẫn nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn giảm điểm vừa qua thì có mức lỗ trung bình xấp xỉ 25 – 30% trong tổng giá trị NAV.

“Với tình trạng này mà chúng ta đặt ra kịch bản dòng tiền cashout khỏi thị trường thì hơi khó. Tôi cho rằng sẽ không xảy ra hiện tượng này vì với áp lực như hiện nay thì nhà đầu tư gần như trong trạng thái là không còn gì để mất. Với quan điểm của tôi, thị trường sẽ vẫn sideway quanh mốc 1.300 điểm với thanh khoản thấp trong bối cảnh hiện nay”.

NĐT không nên cố gắng dò đáy, có thể cân nhắc lướt sóng tại kênh phái sinh

Theo ông Nguyễn Thế Minh, sau hai phiên hồi phục, thực ra thị trường chỉ đỡ tiêu cực hơn vì giai đoạn này nhà đầu tư vẫn đang bi quan thái quá và thông thường thì ở giai đoạn như vậy thì thị trường rất dễ xác lập vùng đáy.

"Tất nhiên là mức cụ thể chúng ta chưa thể khẳng định được và chúng ta chỉ biết đáy khi mà nó đã đi qua. Nói cách khác là nhà đầu tư nên đợi sự xác nhận xu hướng của thị trường thay vì cố gắng dò đáy, đây là chiến lược rất mạo hiểm.

Với nhà đầu tư giai đoạn này muốn mua vào thì họ vẫn đang trong trạng thái thăm dò trong khi nhu cầu bán ra đối ứng không còn cao. Như thời gian vừa qua, áp lực bán lớn nhất của thị trường đến từ vấn đề giải chấp", chuyên gia này cho hay.

Cũng theo Giám đốc của Yuanta Việt Nam, hiện thanh khoản của thị trường cơ sở rất thấp nhưng với thị trường phái sinh thì trong 3 phiên gần đây giá trị giao dịch lại tăng lên rất mạnh. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư thay vì lướt sóng trên thị trường cơ sở thì họ đang có xu hướng chuyển sang kênh phái sinh.

Thị trường phái sinh giao dịch trong phiên, cộng với việc tính biến động gap trong một ngày khá lớn nên lướt sóng phái sinh sẽ có lợi hơn trong giai đoạn này.

Với thị trường cơ sở, nếu lướt sóng trong giai đoạn này thì chúng ta nên cân nhắc. Nhà đầu tư có thể cân nhắc thị trường phái sinh vì rõ ràng là rủi ro T+ là không có. Rủi ro lớn nhất là rủi ro biến động nếu nhà đầu tư không thường xuyên theo dõi vì gần như giao dịch phái sinh luôn phải bám sát thị trường.

Thu Thảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.