|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Góc khuất' của thế giới tiền điện tử khiến các nhà đầu tư sợ hãi

07:48 | 16/05/2022
Chia sẻ
Trong thế giới tiền điện tử thường xuyên biến động, có một “nhánh” dù nhỏ nhưng phát triển rất nhanh, đó là các “stablecoin thuật toán", trở thành góc khuất khiến một số nhà đầu tư và cơ quan quản lý rung lên hồi chuông cảnh báo.

Tuần qua, một đồng tiền thuật toán phổ biến được đánh giá cao đã bất ngờ bốc hơi, xóa sạch giá trị hàng tỷ USD chỉ trong vài ngày. Đồng tiền này được gọi là TerraUSD, thiết kế để duy trì giá trị của nó ở mức 1 USD (luôn cân bằng). Tuy nhiên, nó đã giảm xuống mức thấp nhất là 23 xu vào giữa tuần (11/5) trước khi phục hồi một chút, và dao động quanh mức 60 xu vào đầu ngày hôm sau.

Theo CNN, đối với các nhà phê bình về sản phẩm tiền điện tử gây tranh cãi, đó là khoảnh khắc tồi tệ, chẳng khác nào "hoàng đế không mặc quần áo". Để hiểu những gì đang diễn ra trong góc khuất này của thị trường tiền điện tử, điều quan trọng là chúng ta sẽ phải hiểu các sản phẩm đầu tư mới này là gì và chúng hoạt động như thế nào.

Một stablecoin là gì?

Các loại tiền điện tử như bitcoin và ethereum được biết đến với sự biến động mạnh về giá trị khiến các nhà đầu tư lo lắng. Stablecoin, như tên gọi của chúng, được thiết kế để giữ ổn định (đồng tiền ổn định về mặt giá trị).

Hầu hết các stablecoin được gắn chặt với một loại tiền tệ pháp định truyền thống, chẳng hạn như USD hoặc với một hàng hóa như vàng. Các nhà đầu tư mua chúng để lưu trữ tiền và tạo điều kiện cho các giao dịch trong cơ sở hạ tầng tiền điện tử.

Chúng cũng được sử dụng cho các loại trao đổi tài chính khác, chẳng hạn như cho vay, đi vay hoặc gửi thanh toán ra nước ngoài với ít sự kiểm soát hơn so với thông qua ngân hàng truyền thống.

 Ổn định như stablecoin Terra cũng không thể thoát khỏi chu kỳ biến động cử thị trường tiền điện tử. (Nguồn: KESQ)

Sự ổn định có mục đích của những stablecoin đã biến các token từng ít được biết đến này trở thành nền tảng của hệ sinh thái tiền điện tử. Giá trị thị trường chung của tất cả các stablecoin đã tăng lên 180 tỷ USD kể từ tháng 3 năm nay, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tuy nhiên, đừng để cái tên đánh lừa bạn: Không phải tất cả các stablecoin đều ổn định. Một số stablecoin có kết nối 1-1 với tài sản thực, như tín phiếu Kho bạc Mỹ. Một số liên kết với trái phiếu, có thể dao động về giá trị.

Không chỉ vậy, chính “người anh em họ” ngoan cố của stablecoin, "stablecoin thuật toán" đã gây ra sự hoảng loạn cho các nhà đầu tư trong tuần qua. Và trong khi chúng nghe có vẻ giống nhau, sự đa dạng của thuật toán, về mặt chức năng, hoàn toàn là một vấn đề khác.

Đồng tiền không ổn định?

Như đã đề cập, hầu hết các stablecoin được hỗ trợ bởi tài sản thế chấp trong thế giới thực như USD hoặc các khoản tương đương tiền mặt. Thế nhưng, các stablecoin theo thuật toán không nhất thiết phải được hỗ trợ bởi bất kỳ tài sản bên ngoài thực sự nào, dựa vào kỹ thuật tài chính phức tạp để giữ giá trị của chúng ổn định. Và khi chúng sụp đổ thì sẽ rơi mạnh xuống. Những người theo dõi ngành công nghiệp này gọi đây là "vòng xoáy tử thần".

Ông Charles Cascarilla, Giám đốc điều hành và đồng người sáng lập Paxos, một công ty cơ sở hạ tầng blockchain nhận định: “Đồng tiền thuật toán chỉ là một cách nói hoa mỹ. Chúng ta phải nói rằng đồng tiền này đáng giá 1 USD vì nó được hỗ trợ bởi một tài sản khác mà chúng ta cũng tạo ra chỉ bằng kỹ thuật”.

 Đồng tiền điện tử mạnh nhất bitcoin cũng giảm kỷ lục. (Nguồn: Forbes)

Trong trường hợp của TerraUSD, tài sản "ngoài luồng" khác là tiền điện tử Luna, và đây là cách nó hoạt động: Về lý thuyết, một nhà đầu tư có thể đổi Terra lấy Luna trị giá 1 USD, mã thông báo chị em của nó có giá không cố định.

Các nhà giao dịch tham gia vào một quy trình được gọi là chênh lệch giá có thể kiếm lợi nhuận nhanh chóng bằng cách khai thác các biến động của 1 trong 2 tài sản - tạo ra động lực để giữ giá trị của Terra ổn định ở mức 1 USD. Ví dụ: Nếu Terra giảm xuống dưới 1 USD, các nhà giao dịch chênh lệch giá sẽ lao vào mua Terra với giá rẻ và đổi lấy Luna trị giá 1 USD.

Điều này cuối cùng tạo ra một hệ sinh thái trong đó các nhà giao dịch trao đổi Luna và Terra để giữ giá trị của Terra ở mức 1 USD. Vấn đề là toàn bộ hệ sinh thái dựa vào các nhà giao dịch tin rằng Luna là tài sản có giá trị. Một khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào hệ thống, tất cả hệ sinh thái sụp đổ.

"Bất kỳ buổi sáng nào, mọi người có thể thức dậy và nói rằng đợi một chút, người ta chỉ bịa ra điều này thôi, nó vô giá trị, và quyết định loại bỏ Luna, Terra của họ”, tác giả Matt Levine của Bloomberg viết.

Đó dường như là những gì đã xảy ra trong tuần qua khi các nhà đầu tư bắt đầu rút lui khỏi cả Terra và Luna. Ông Henry Elder, người đứng đầu bộ phận tài sản phi tập trung tại Wave Financial, một công ty quản lý tài sản kỹ thuật số cho biết: “Đây chính xác là 'vòng xoáy tử thần' mà nhiều người đã dự đoán”.

Triển vọng nào cho stablecoin và stablecoin thuật toán?

Những người ủng hộ stablecoin cảnh báo rằng đây không phải là thời điểm để vứt bỏ các đồng tiền điện tử ổn định này. Họ lưu ý rằng stablecoin được hỗ trợ bằng tiền tệ như Tether và USDCoin đã giữ ổn định trong cuộc khủng hoảng của Terra vừa qua.

Thực tế, vào hôm 12/5, 1 ngày sau sự sụp đổ của Terra và Luna, áp lực gia tăng đã làm rung chuyển Tether, đồng stablecoin lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường 80 tỷ USD. Tether đã giảm xuống mức thấp nhất là 96 xu vào đầu ngày, theo CoinMarketCap. Stablecoin lớn thứ hai là USDCoin giữ ổn định ở mức 1 USD.

Ông Do Kwon, CEO Terraform Labs đã đăng trên Twitter rằng các nỗ lực phục hồi đang được tiến hành, khuyến khích các nhà đầu tư "giữ vững tâm lý".

Thực tế, bitcoin - tiền điện tử lớn nhất thế giới cũng đang biến động đáng kể theo xu hướng giảm của thị trường tiền điện tử.  Đầu ngày 12/5, bitcoin cũng về mức khoảng 28.000 USD, giảm hơn 12% trong 24 giờ.

Mặc dù tài sản tiền điện tử vẫn chiếm một phần nhỏ trong hệ thống tài chính rộng lớn, tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ lo ngại rằng xu hướng biến động lớn và giảm giá mạnh có thể tạo ra những dư chấn khó lường cho các nhà đầu tư thuộc mọi giới.

Thu Phương