|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khối lượng giao dịch Terra (Luna) tăng 200% khi thị trường điều chỉnh theo 'vòng xoáy tử thần'

21:00 | 15/05/2022
Chia sẻ
Bất chấp những rủi ro liên quan, đồng Terra ‘biến động điên cuồng’ vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư ngắn hạn, chủ yếu là do Luna đã tăng 600% giá trị trong giây lát vào ngày 14/5.

Theo Cointelegraph, chỉ mất 7 ngày để hệ sinh thái Terra (Luna) giảm theo vòng xoáy khi giá giảm từ 85 USD vào ngày 5/5 về giá trị gần bằng 0 USD vào ngày 12/5. Khi thị trường dần dần phân tích được nguyên nhân của đà suy thoái trước đó, khối lượng giao dịch của Luna đã chứng kiến ​​sự phục hồi mạnh mẽ trên 200% vào những ngày cuối tuần.

Luna đang dần hồi sinh?

Việc gỡ bỏ chốt giá UST khiến thị trường Luna sụp đổ. CoinGecko ghi nhận sự sụt giảm khối lượng giao dịch xuống còn 178,6 triệu USD vào ngày 13/5 - một con số khá thấp, từng được ghi nhận mức tương tự lần cuối cùng vào tháng 2/2021.

 Luna đang dần phục hồi sau khi về sát mức 0 USD? (Nguồn: Forbes)

Giám đốc điều hành Terraform Labs và người đồng sáng lập Do Kwon đã tìm kiếm biện pháp kiểm soát thiệt hại vào cùng ngày khi ông đề xuất một kế hoạch hồi sinh cho sự trở lại của Terra, bao gồm việc bồi thường cho những người nắm giữ UST và Luna vì đã rót tiền vào các mã thông báo này trong sự cố.  

Thực tế, dù có vô số rủi ro ở thời điểm rớt giá mạnh và ngay sau đó nhưng các đồng stablecoin này vẫn được nhiều nhà đầu tư ngắn hạn coi trọng và sẵn sàng chấp nhận nguy cơ mất trắng – đặc biệt là sau khi Luna tăng gần 600% giá trị hôm 14/5.

Tính đến hết ngày 14/5, khối lượng giao dịch của Luna đã tăng hơn 200% trở lại mức 6 tỷ USD trong bối cảnh các nhà đầu tư cố gắng bù đắp khoản lỗ của họ, và nhiều nhà đầu tư mới mong ngóng tận dụng cơ hội để kiếm tiền nhiều hơn. Thực tế, trước khi sụp đổ, hệ sinh thái Luna đã liên tục ghi nhận khối lượng giao dịch trung bình hơn 2 tỷ USD trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, ngay khi giá Luna giảm trong khoảng thời gian từ ngày 10/5 đến sáng ngày 13/5, khối lượng giao dịch của nó đã tăng đột biến do các nhà đầu tư cố gắng giảm lỗ - dao động từ 5 tỷ USD đến 16 tỷ USD. Vào lúc cao điểm, khối lượng giao dịch của Luna đã ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại là 16,15 tỷ USD vào ngày 11/5.

 Tồn tại nhiều nguyên nhân khiến stablecoin Terra (Luna) bay hơi. (Nguồn: NDTV.com)

Do các yếu tố khác nhau đã nêu ở trên, Luna đã lấy lại khối lượng giao dịch của mình và giao dịch ở mức 0,00025 USD tính đến sáng 15/5. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, sàn giao dịch tiền điện tử Binance chiếm 68,26% khối lượng giao dịch của Luna, tiếp theo là KuCoin với 9,52% và FTX là 1,13%.

Vào ngày 13/5, người dùng Crypto.com đã đưa ra lo ngại về việc các giao dịch Luna xảy ra lỗi trên ứng dụng di động của sàn giao dịch. Ông Kris Marszalek, Giám đốc điều hành của Crypto.com, sau đó đã tiết lộ rằng một lỗi nội bộ khiến hệ thống hiển thị giá không chính xác, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận gấp 30 - 40 lần.

Do đó, Crypto.com đã tạm thời chặn tất cả người dùng giao dịch. Sau một ngày xem xét sự cố hệ thống được cho là có trục trặc, Marszalek thông báo rằng “tất cả tài khoản người dùng đã được kích hoạt lại”.

Crypto.com sau đó đã cung cấp miễn phí giá trị 10 USD cho mã thông báo nội bộ Cronos (CRO) của mình như một cử chỉ thiện chí dành cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Có thể nói, các nhà đầu tư vào stablecoin nói riêng và các đồng tiền điện tử khác nói chung đã có một tuần đầy sóng gió khi giá trị tài sản bốc hơi chóng mặt. Mọi nỗ lực bán tháo để giảm thiệt hại hoặc tiếp tục bất chấp rủi ro để đầu tư trong thời điểm hiện nay đều tồn tại nguy cơ thua lỗ, do đó, các nhà đầu tư tiền điện tử cần cân nhắc kỹ cho mỗi quyết định giao dịch của mình. 

Thu Phương