|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gỡ vướng cho dòng vốn - Bài cuối: Quyết sách mạnh từ ngân hàng

15:23 | 01/05/2023
Chia sẻ
Việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp ban hành 2 Thông tư liên quan tới doanh nghiệp trong cùng ngày 23/4 ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan này nhanh chóng sửa đổi các quy định về trái phiếu doanh nghiệp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xem là "liều thuốc bổ" kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.

 Khách hàng giao dịch tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có một loạt quyết định giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã và đang triển khai, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN nhằm kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới đáp ứng sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng. Qua đó, chính sách này góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế đạt các mục tiêu đề ra của năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025.

Còn với việc ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, theo Ngân hàng Nhà nước là nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đánh giá, Thông tư số 02/2023 và Thông tư số 03/2023 là những quyết sách mạnh, được doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng kỳ vọng với một số tác động chính.

Đó là giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, của bên vay, hỗ trợ thanh khoản, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới...

Theo nhóm tác giả, Thông tư số 03/2023 sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành lại trái phiếu doanh nghiệp có dòng tiền để xử lý một phần lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 (tập trung vào Quý II và Quý IV). Theo đó, doanh nghiệp có thể dùng nguồn vốn đang có để duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với Thông tư số 02/2023, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đầu tư & Nghiên cứu BIDV cho rằng sẽ giúp doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ). Qua đó, doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tiếp theo.

Theo các chuyên gia phân tích, khi Thông tư số 02/2023 được ban hành, ngân hàng sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian duy trì và xoay xở dòng tiền trả nợ trái phiếu. Quy định mới này được cho sẽ góp phần giúp các khách hàng không bị chuyển nhóm nợ, tránh rơi vào nhóm có khoản nợ xấu.

Từ đó doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp có được điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chính sách giãn, hoãn nợ sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền, nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp, chưa phải trả nợ cả gốc và lãi, doanh nghiệp sử dụng để tiếp tục kinh doanh, sản xuất.

Công ty Chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng việc nới lỏng hơn về điều kiện được tái cơ cấu nợ giúp các ngân hàng có tiêu chí cụ thể để dễ dàng đánh giá điều kiện của khách hàng hơn.

Trước đây, chính sách giãn và hoãn thời gian trả nợ cũng đã được ngành ngân hàng thực thi trong giai đoạn COVID-19 và đã có gần 1,7 triệu khách hàng được giãn, hoãn nợ. Với trên 800 nghìn tỷ đồng được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nhiều doanh nghiệp nhờ chính sách này đã vượt qua thời kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngân hàng sẽ chọn lọc kỹ đối tượng doanh nghiệp có khả năng phục hồi để cơ cấu nợ bởi các ngân hàng phải cơ cấu nợ bằng chính nguồn lực của mình.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế  (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Nhưng về góc độ của tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư số 02/2023, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thùy Dương

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.