|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khi nào dòng vốn mới trở lại các thị trường mới nổi?

17:08 | 26/11/2024
Chia sẻ
Trả lời cho câu hỏi: "Khi nào dòng vốn mới trở lại các thị trường mới nổi?", chuyên gia Hồ Quốc Tuấn cho rằng, cần cả hai điều kiện, các thị trường mới nổi cho thấy kinh tế của họ tăng trưởng tốt hơn Mỹ và kinh tế Mỹ chịu tác động tiêu cực vì các chính sách của ông Trump. Tuy nhiên, điều này là rất khó xảy ra.

Với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump - “Trump version 2" đang làm thay đổi cục diện đầu tư thế giới và được dự báo sẽ gây ra các tác động không nhỏ cho bức tranh đầu tư, thương mại toàn cầu trong 4 năm tới.

Chia sẻ tại "Toạ đàm Kinh tế toàn cầu dưới thời ông Trump 2.0 và triển vọng tăng trưởng cho VN-Index diễn ra chiều 25/11", ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh cho biết, với "Trump version 2" câu chuyện về thương chiến và giảm thuế hay tự do hoá hơn nữa nền kinh tế Mỹ đang là những từ khoá nóng hổi.

Nhiều chuyên gia đánh giá các đề xuất của ông Trump như cắt giảm thuế và tăng mạnh thuế quan có thể giúp kích thích nền kinh tế Mỹ, nhưng cũng đồng thời khiến thâm hụt ngân sách nới rộng và hâm nóng lạm phát.

Nhằm tạo ra nguồn thu cho các chương trình trên, ông Trump gợi ý ông có thể áp thuế quan lên tới 20% đối với mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, riêng các sản phẩm Trung Quốc và xe cộ sản xuất ở Mexico có thể bị áp thuế lần lượt là 60% và 2.000%.

Bên cạnh đó, việc giảm đi một số quy định của những lĩnh vực như năng lượng, ngân hàng nhằm tạo sự tự do hoá trong nền kinh tế Mỹ tạo ra hưng phấn cho thị trường nhất định nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng chung về dài hạn đối với các ngành kinh tế khác.

Theo chuyên gia, việc Trump version 2 sẽ tạo ra ba tác động: Thứ nhất là thương chiến. Thứ hai là tác động đến lãi suất và làm phát của toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ và thứ ba là tác động đến dòng vốn quốc tế.

Tại sao dòng vốn chạy về Mỹ?

Ngay sau khi thông tin ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử nổ ra, hiện tượng dòng vốn đổ về Mỹ rất rõ ràng. Trong khi các thị trường và nền kinh tế khác gặp nhiều khó khăn, Mỹ như một điểm đến an toàn. 

Theo báo cáo từ Viện Peterson, tăng trưởng toàn cầu trong vòng thập kỷ tới sẽ mất đi khoảng 5% hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đánh giá tác động tổng thể của Trump ver 2 làm xấu đi kinh tế toàn cầu.

Trong trường hợp xấu nhất, thương chiến của Mỹ có thể lan thành thương chiến toàn cầu khi các nước đáp trả, kéo theo kinh tế một số nước xấu đi. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể mất đi khoảng 1,5% cho đến năm 2026 so với kịch bản trước đó.

Về dài hạn, kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ hồi phục lại những cũng phải mất đi một phần đáng kể so với tiềm năng hiện nay. Và chính vì như vậy, Mỹ trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư, vì khi các nước khác bị tác động nặng thì Mỹ là một trong những nền kinh tế được đánh giá là an toàn, chuyên gia phân tích.

"Tuy nhiên, nếu nhìn về sau 2026, thì chưa chắc Mỹ sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất. Nếu Trung Quốc điều chỉnh chính sách và chiến lược tương ứng. IMF dự báo, trong trường hợp đó, chính Mỹ và EU lại là những khu vực bị ảnh hưởng xấu nhiều hơn", ông Tuấn nói.

Và Trung Quốc, sau giai đoạn sụt giảm mạnh có thể bật trở lại, như vậy là thị trường của họ cũng sẽ có cơ hội. Tương tự như giai đoạn tháng 9 vừa qua.

Dòng vốn dịch chuyển về Mỹ từ các thị trường mới nổi. (Nguồn: Bloomberg).

Ngay cả trong kịch bản thương chiến không xấu như dự báo nhưng các nhà đầu tư chắc chắn sẽ chọn giải pháp trước mắt cứ chuyển tiền về Mỹ để đảm bảo an toàn. Động thái này thể hiện bằng việc chỉ số MSCI của Mỹ tăng mạnh sau khi ông Trump thắng cử, trong khi đó, chỉ số của các thị trường mới nổi thì giảm điểm.

Điều này thể hiện sự dịch chuyển của dòng tiền thế giới đổ vào thị trường Mỹ và rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Tình trạng này kết hợp với việc dòng tiền rút mạnh khỏi vàng và chuyển sang crypto.

Sự dịch chuyển này được lý giải bằng việc, ông Trump lên nắm quyền với những chính sách giảm thuế tại Mỹ tạo điều kiện cho thị trường crypto phát triển, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngân hàng Mỹ đưa ra những sản phẩm đặc biệt hơn. Tất cả những điều này tạo cơ hội cho những kênh đầu tư có độ rủi ro cao hơn.

Một yếu tố nữa là các quỹ quốc tế cũng đang dịch chuyển dòng tiền về Mỹ. Nhà đầu tư cũng có sự thay đổi trong khẩu vị đầu tư tại thị trường mới nổi trong khoảng hai tuần vừa qua: Đó là bán cổ phiếu và tăng mua trái phiếu Chính phủ tại các thị trường mới nổi.

"Bởi các nhà đầu tư chiến lược nghĩ rằng các quốc gia này khó có thể giảm lãi suất như kỳ vọng, trong khi đó lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ phải tăng lên", ông Tuấn nói.

Khi nào dòng tiền đổi chiều?

 TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh. (Ảnh: NVCC).

Vậy một câu hỏi đặt ra là khi nào dòng tiền đổi chiều? Tức là chuyển từ Mỹ về lại thị trường mới nổi.

Theo chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, cần hai điều kiện để các thị trường mới nổi hấp dẫn lại dòng vốn. Thứ nhất là các thị trường mới nổi phải cho thấy kinh tế của họ tăng trưởng tốt hơn Mỹ. Và thứ hai là các chính sách kinh tế của ông Trump có thể tạo ra sai lầm và gây tổn thất lớn cho nền tiền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, khả năng để đạt được cả hai điều này rất thấp tại, vì hiện nay Mỹ vẫn đang trong trạng thái được dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn cả châu Âu. Và thứ hai là dù, chính sách thuế quan của Mỹ có thể sẽ sai lầm thì có khả năng là người trả giá là các nền kinh tế khác chứ không phải Mỹ.

Vì vậy, dẫn đến quan điểm cho rằng, thị trường Mỹ đang ở trong vùng an toàn của cái quỹ đầu tư. Trong trạng thái vậy, Trump 2.0 sẽ khác với giai đoạn 1.0.

Với câu chuyện lạm phát và lãi suất, sau khi ông Trump chiến thắng, gần như ngay lập tức, kỳ vọng lạm phát bật lên từ 2,2% lên gần 2,8%. Kỳ vọng lạm phát của Mỹ đã diễn ra từ tháng 8, chứ không phải mới diễn ra sau cuộc bầu cử, vì vậy không thể nói rằng do ông Trump mà kỳ vọng làm phát của Mỹ bật lên 2,7% nhưng cũng có tác động đến mức lạm phát kỳ vọng vượt xa mục tiêu 2% của Fed như vậy.

Điều này có thể dẫn đến Fed sẽ trì hoãn giảm lãi suất. Và khi lãi suất của Mỹ không giảm nhanh như kỳ vọng, thì lãi suất của Việt Nam cũng khó có thể tiếp tục giảm.

Dù vậy, ông cũng lưu ý những dự báo này dựa trên giả định rằng ông Trump sẽ gây ra thương chiến khá lớn với các nước trên thế giới tạo áp lực về tỷ giá, về lãi suất và lạm phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ là dự báo, hiện vẫn chưa thể biết ông Trump sẽ đưa ra những chính sách cụ thể như thế nào. 

Hạ An

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.