|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tín hiệu khả quan từ dòng vốn quốc tế

10:00 | 04/11/2024
Chia sẻ
Với sự phục hồi từ các thị trường phát triển và tín hiệu khả quan từ dòng vốn, kinh tế và thị trường chứng khoán Việt nam đang đứng trước cơ hội có được đà tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng cho sự khởi sắc trong dài hạn.

 

Tăng trưởng kinh tế

So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có độ mở kinh tế cao với giá trị xuất khẩu chiếm đến 94% GDP, xếp hạng thứ 14 trên toàn cầu. Con số này vượt xa các yếu tố khác trong tăng trưởng như bán lẻ (61%) và đầu tư (33%). Xuất khẩu hiện là động lực chủ yếu và có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, sự thuận lợi trong xuất khẩu sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP tích cực và ngược lại.

Là yếu tố then chốt, xuất khẩu Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhu cầu của các thị trường phát triển. Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm tới 53% giá trị xuất khẩu, nên việc sụt giảm xuất khẩu sang các thị trường này đã làm suy giảm tổng xuất khẩu và kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,3%, EU giảm 6,7%, còn Hàn Quốc và Nhật Bản đều giảm 3,7%.

Bước sang năm 2024, các nền kinh tế phát triển đang dần phục hồi, dự báo tăng trưởng đạt 1,7% trong năm 2024 và 1,8% năm 2025 (so với 1,6% năm 2023). WTO dự đoán thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025, sau khi giảm 1,2% trong năm 2023. 

Nhờ sức mua cải thiện ở các quốc gia phát triển, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tích cực khi xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm tăng 15,4%, trái ngược mức giảm 8,2% cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang các thị trường chính như Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều tăng trưởng khả quan.

Tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 29% tổng giá trị xuất khẩu, lượng xuất khẩu tăng trưởng đạt 25,6% trong 9 tháng đầu năm 2024. Trong các năm 2021 và 2022, các nhà nhập khẩu Mỹ tăng mạnh nhập khẩu để bổ sung hàng hóa sau thời kỳ gián đoạn do COVID-19. Sang năm 2023, khi đại dịch không còn là mối lo lớn, họ đã giảm nhập khẩu để xử lý hàng tồn kho. 

Đây là nguyên nhân khiến nhập khẩu Mỹ giảm trong năm 2023, đặc biệt ở các mặt hàng tiêu dùng chủ lực của Việt Nam như may mặc, giày dép, điện thoại và đồ gia dụng, với mức giảm tới 9,6%. Tuy nhiên, sang năm 2024, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đã tích cực hơn, lý giải cho sự hồi phục xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Nhờ kết quả xuất khẩu tích cực, tăng trưởng GDP Việt Nam trong 9 tháng đạt 6,82%, cao hơn so với mức tăng 4,4% cùng kỳ năm 2023. Với xu hướng kinh tế phát triển lạc quan và nhu cầu tiêu dùng của Mỹ tăng trở lại, xuất khẩu Việt Nam trong các tháng còn lại của 2024 hứa hẹn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu năm 2025 được kỳ vọng khả quan nhờ tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế lớn, mang lại viễn cảnh tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong hai năm tới.

Xu hướng dòng vốn

Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tạo nên lực cản đáng kể cho đà tăng của VN-Index. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này trong năm 2024 là chênh lệch lãi suất, rủi ro tỷ giá, bất ổn chính trị và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận không đạt mục tiêu. Tuy nhiên, trong các tháng cuối năm 2024, dòng vốn khu vực có những dấu hiệu sáng sủa hơn

 

Theo kết quả khảo sát tháng 10 từ Bank of America, sự lạc quan của nhà đầu tư đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2020, nhờ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, các biện pháp kích thích của Trung Quốc và dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm.” Khoảng 76% nhà đầu tư tin vào viễn cảnh “hạ cánh mềm” của Mỹ, chỉ có 8% lo ngại “hạ cánh cứng.” 

Các cổ phiếu thị trường mới nổi và hàng hóa được đánh giá hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế Trung Quốc, khi 47% nhà đầu tư ủng hộ cổ phiếu thị trường mới nổi và 41% ưu tiên hàng hóa. Ngược lại, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu Nhật Bản được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất.

Do đó, phân bổ vốn vào cổ phiếu toàn cầu tháng 10 đã tăng mạnh so với tháng 9, lên mức +31% so với tham chiếu. Trong khi đó phân bổ vốn vào trái phiếu đảo chiểu xuồng mức -15% so với tham chiếu.

Tuy vậy, triển vọng kinh tế và thị trường vẫn đối diện với nhiều rủi ro, mà lớn nhất là xung đột địa chính trị, tiếp theo là rủi ro lạm phát. Suy thoái kinh tế Mỹ từng là mối lo chính nhưng nay đã giảm, dù kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 có thể đem lại tác động trái chiều cho thị trường. 

Nếu ông Donald Trump thắng cử, nhiều người lo ngại Việt Nam có thể chịu áp thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, mặt tích cực là xung đột địa chính trị có khả năng sẽ sớm được giải quyết, mang đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ đó giảm thiểu nguy cơ lạm phát và hỗ trợ giữ lãi suất thấp.

Với sự phục hồi từ các thị trường phát triển và tín hiệu khả quan từ dòng vốn nêu trên, kinh tế và thị trường chứng khoán Việt nam đang đứng trước cơ hội có được đà tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng cho sự khởi sắc trong dài hạn.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Chuyên gia kinh tế độc lập, sáng lập viên Think Future Consultancy

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.