|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Gỡ thế bí từ 'room' tín dụng, ngân hàng đã làm gì?

15:52 | 17/07/2019
Chia sẻ
Vừa phải giữ tăng trưởng tín dụng trong hạn mức được duyệt mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cao theo kế hoạch đề ra, các ngân hàng đã phải tìm mọi cách để có thể tìm được đường ra trong thế khó của mình.

Tăng trưởng tín dụng thấp và thách thức với các ngân hàng

Trải qua một nửa chặng đường năm tài chính 2019, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 7,33%, số liệu được cho biết từ Thống đốc Lê Minh Hưng trong cuộc họp thường kì Chính phủ tháng 6.

Con số này cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng nền kinh tế được Tổng Cục Thống kê công bố là 6,22% tính đến hết 18/6 và mức 5,75% tính đến hết ngày 10/6 theo số liệu của NHNN.

Mặc dù vậy, đây vẫn là mức tăng thấp nhất trong bốn năm trở lại đây. Trong năm 2018, con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 7,82% và trong năm 2017 và 2016 lần lượt là 9,01% và 8,21%.

photo-2-1562472064812438130858

Nguồn: NHNN.

Theo chủ trương của NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2019 của toàn ngành là 14%. Do đó, hầu hết ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng là 13% như Techcombank, MBBank, ACB, Sacombank, HDBank,…

Vietcombank là trường hợp ngoại lệ khi được ưu ái với mức tăng trưởng tín dụng 15%.

Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 7 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ trong đó nhiều ngân hàng có tăng trưởng dự nợ cho vay khách hàng khá cao. Cụ thể, VIB ghi nhận tăng trưởng hơn 19%; TPBank là 13% (bằng với mức được NHNN phê duyệt); MBBank là 12,3%;…

Không quá cao như những ngân hàng kể trên nhưng mức tăng trưởng tín dụng của Vietcombank, ACB và Sacombank đều cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành (7,33%). Điều này hàm ý rằng sẽ có sự phân hoá lớn giữa các ngân hàng về chỉ tiêu tăng trưởng này trong nửa đầu năm 2019.

Các ngân hàng đã làm gì để gỡ thế bí từ 'room' tín dụng?

Chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng của NHNN là một thách thức lớn đối với các ngân hàng bởi vì cho vay là hoạt động mang lại thu nhập chính của họ. Với kế hoạch lợi nhuận cao, tương ứng cần một mức tăng trưởng tín dụng cao.

Do đó, các ngân hàng đang phải tự tìm đường trong thế khó này để đạt được các mục tiêu kế hoạch.

Screen Shot 2019-07-17 at 11

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

Chạy đua áp dụng Basel II

Với chủ trương sẽ nới "room" tín dụng cho tổ chức tín dụng áp dụng sớm Thông tư 41, việc chạy đua theo chuẩn Basel II đã trở thành mục tiêu với nhiều ngân hàng.

Từ những gương mặt đầu tiên như Vietcombank, VIB và OCB, tính đến thời điểm hiện tại đã có 9 ngân hàng được NHNN phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II bao gồm thêm: ACB, MBBank, TPBank, VPBank, Techcombank và MSB. Và có lẽ tất cả ngân hàng này đều đã trình nguyện vọng nới "room" lên NHNN.

Năm 2019, hầu hết ngân hàng đặt mục tiêu khá cao về kết quả kinh doanh, nhiều ngân hàng kì vọng tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận. Đặc biệt, nhiều ngân hàng đặt mức kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với "quota" được NHNN phê duyệt.

VIB và OCB là hai ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất với lần lượt là 35% và 30%, gấp hơn hai lần mức tăng trưởng chung của toàn ngành. Con số kế hoạch được đặt ra có lẽ một phần do đây là hai ngân hàng đạt chuẩn Basel II từ khá sớm.

MBBank và HDBank cũng là hai ngân hàng có mức kế hoạch tăng dư nợ tín dụng cao với 20% và 24%.

Ngân hàng HDBank cho biết đã nộp hồ sơ xin áp dụng tiêu chuẩn mới này từ tháng 1, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng kì vọng sớm hoàn tất Basel II như VietBank, ABBank, Kienlongbank, Nam A Bank, Bac A Bank,…

Theo thống kê của người viết, đã có 4 ngân hàng được NHNN chấp thuận điều chỉnh hạn mức tăng tín dụng gồm: Techcombank, MBBank, ACB (từ 13% lên 17%) và VPBank (từ 12% lên 16%).

Techcombank tìm đường từ trái phiếu

Techcombank là ngân hàng được phê duyệt áp dụng Basel II vào đầu tháng 7 và được nới room lên 17% nhưng dường như áp lực tăng trưởng cho vay khách hàng của ngân hàng là không quá lớn.

Từ năm 2018, khi NHNN bắt đầu chính sách thắt chặt tín dụng, ngân hàng này đã tìm ra con đường thay thế việc cho vay khách hàng, thay vì đó họ sẽ tư vấn phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp và tăng danh mục đầu tư trái phiếu của mình.

Mua trái phiếu cũng là một hình thức cấp vốn cho doanh nghiệp nhưng có ưu điểm là có thể chuyển nhượng sở hữu nhanh chóng, không như việc bán một khoản vay.

Theo thống kê của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), trong ba năm từ 2016 - 2018, cho vay khách hàng chỉ tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,89%/năm trong khi tốc độ tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên tới 85,7%/năm. 

Trong đó, danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng chủ yếu vào 6 tháng cuối năm 2018 khi ngân hàng bảo lãnh phát hành một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng có thể lựa chọn phân phối dần danh mục trái phiếu hoặc giữ lại để tối ưu hoá tài sản.

Vào quí I/2019, tín dụng của Techcombank giảm 0,3% so với đầu năm trong khi cho vay khách hàng tăng nhẹ 2,4%.

Mới đây, Techcombank mua trọn lô 2.229 tỉ đồng trái phiếu của  Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Tân Liên Phát Sài Gòn (Tân Liên Phát Sài Gòn) và 740 tỉ đồng trái phiếu của Cáp treo Bà Nà. Ở cả hai trường hợp trên, loại trái phiếu phát hành đều là dài hạn và có tài sản bảo đảm.

Không quá nổi bật như Techcombank, PVcomBank và SeABank cũng là những ngân hàng được nhắc đến gần đây khi thực hiện mua vào khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm.

Cụ thể, PVcomBank "ôm" 1.300 tỉ đồng trái phiếu của Novaland; VPBank mua 925 tỉ đồng trái phiếu của Bất động sản Hoàng Trường; SeABank nắm 150 tỉ đồng của chủ đầu tư một dự án,…

Nắm giữ trái phiếu cũng chịu những rủi ro tương đương như khi cho vay vốn, việc mua trọn các lô trái phiếu doanh nghiệp cũng là một hình thức để quản lí tập trung tài sản bảo đảm, dễ dàng xử lí nếu có rủi ro phát sinh.

Thúc đẩy tăng trưởng phi tín dụng

Không thể chối cãi vai trò quan trọng của thu nhập từ lãi đối với các ngân hàng khi đó là nguồn thu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu nhập, nhưng điều đó không có nghĩa là những mảng còn lại bị coi nhẹ. 

Việc chuyển dịch dần nguồn thu từ tín dụng sang phi tín dụng (dịch vụ, đầu tư,…) đã và đang là xu hướng được chú trọng trong những năm gần đây. Với các chiến lược đẩy mạnh phát triển công nghệ số, bán chéo sản phẩm, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng có chiều hưởng tăng trưởng khá nhanh.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), nguồn thu từ hoạt động dịch vụ năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với đóng góp tích cực của mảng bancassurance. Doanh thu phí bảo hiểm năm 2018 ước tăng 25,8% so với năm 2017.

Số liệu mới nhất từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy tại nhiều ngân hàng thu nhập dịch vụ đang tăng trưởng với tốc độ "thần kì". 

Tại VIB, lãi thuần từ dịch vụ đạt 764 tỉ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kì năm trước. Mảng dịch vụ của TPBank đã tăng gần gấp đôi so với cùng kì năm 2018 mang về 605 tỉ đồng cho ngân hàng.

Sacombank và Kienlongbank cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá lần lượt là 22% và 19% trong mảng dịch vụ. 

Ngoài ra, thu nhập từ những mảng phi tín dụng khác như thu từ xử lí nợ xấu, hoàn nhập dự phòng cũng là những nguồn thu mang lại lợi nhuận cao cho ngân hàng, tuy nhiên mang tính chất "bất thường".

Như vậy, có thể nhận thấy, các ngân hàng đang tỏ ra là một nhà tư bản thông minh, luôn tìm được lối đi trong những hoàn cảnh khó khăn. Kết quả khả quan trong nửa đầu năm là minh chứng hiệu quả cho những phương pháp đó và là tín hiệu tốt dự báo về con số tăng trưởng của ngân hàng trong năm 2019.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình