Gỗ An Cường có gì khi chào sàn giá 90.000 đồng/cp?
Cổ đông lớn nắm giữ hơn 88% vốn Gỗ An Cường
Theo tìm hiểu, Gỗ An Cường được thành lập năm 2006, tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất Hàng nội thất Phương Vân Anh. Công ty chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần vào năm 2014 và đổi tên thành CTCP Gỗ An Cường.
Kể từ khi chuyển, Gỗ An Cường trải qua 9 lần tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 876,57 tỷ đồng vào 27/2/2020. Cuối tháng 5/2021, doanh nghiệp thực hiện giảm 65 tỷ đồng vốn điều lệ sau khi mua lại cổ phần từ nhân viên cũ làm cổ phiếu quỹ. Tại thời điểm 31/5/2021, tổng vốn điều lệ là 876,5 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của Gỗ An Cường tương đối cô đặc với 3 cổ đông lớn, nắm giữ 88,02% giá trị vốn cổ phần. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam là cổ đông lớn nhất, nắm quyền kiểm soát với 50,21% tổng vốn.
Tìm hiểu của người viết, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Gỗ An Cường đồng thời là cổ đông lớn, góp 87,19% vốn (tương đương 209 tỷ đồng) tại Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam.
Hai cổ đông lớn còn lại là Whitlam Holding và Sumitomo Forestry nắm giữ lần lượt 18,13% và 19,58% vốn cổ phần, trong đó Whitlam Holding đã rót vốn vào Gỗ An Cường từ năm 2016, còn Sumitomo trở thành cổ đông chiến lược vào cuối năm 2017.
Nhận khoản đầu tư hơn 86 triệu USD từ VinaCapital và Sumitomo Forestry
Từ năm 2016 đến nay, Gỗ An Cường gây chú ý khi nhận được khoản đầu tư hơn 28 triệu USD từ liên doanh giữa VinaCapital - DEG (Quỹ đầu tư thành viên thuộc Tập đoàn kfW - Đức) và trên 58 triệu USD từ Tập đoàn Sumitomo Forestry.
Theo thông tin công bố, số vốn trên được sử dụng để mở rộng diện tích hệ thống nhà máy từ 130.000 m2 lên đến hơn 240.000 m2, đầu tư vào hệ thống công nghệ, máy móc thiết bị...
Trao đổi về sự hợp tác với cổ đông chiến lược Sumitomo Forestry, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT cho biết công ty được hưởng lợi từ mạng lưới phân phối của tập đoàn tại hai thị trường Nhật Bản và Mỹ.
Theo công bố thông tin, doanh nghiệp đang nắm giữ 55% thị phần nội địa đối với sản phẩm ván MFC và hơn 70% với các thương hiệu ván laminate, ván acrylic và các phụ phẩm. Ngoài 22 showroom trong nước, Gỗ An Cường còn mở rộng hệ thống đại lý tại các quốc gia Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Úc...
Lãi ròng hàng năm quanh mức 500 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, doanh thu của công ty tăng trưởng bình quân 35% mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đến từ việc liên tục mở rộng nhà máy và hệ thống phân phối. Sang đến năm 2019, nhuận sau thuế giảm 3,7% và không hoàn thành kế hoạch năm do sự chững lại của thị trường bất động sản nói chung.
Năm 2020, mặc dù doanh thu suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Gỗ An Cường ghi nhận lãi ròng tăng nhẹ 1,15% ở mức 492 tỷ đồng nhờ cắt giảm chi phí hoạt động.
Theo đà phục hồi của thị trường trong quý I/2021, doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu thuần 787 tỷ đồng, tăng 7,9% so với năm trước. Theo đó, công ty báo lãi ròng 101 tỷ đồng, gấp 1,65 lần mức 61,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020. Quý II/2021, Gỗ An Cường báo lãi 136,5 tỷ đồng, tăng 31% so với quý II/2020.
Về cơ cấu tài sản của công ty, khoản đầu tư tài chính tính đến hết quý I là 1.649 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 1.680 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Trong đó 1.493 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngắn hạn với lãi suất 5 - 8%, cùng 156 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên 12 tháng hướng lãi 13,8%/năm.
Hệ số nợ trên tổng tài sản năm 2019 - 2020 ở mức 0,19 - 0,21 lần, ước tính gần 99% tổng nợ phải trả là các khoản nợ vay ngắn hạn. Hệ số thanh toán ngắn hạn được duy trì ở mức 3,85 lần, còn hệ số thanh toán nhanh đạt 2,21 - 2,64 lần.
Thông tin thêm về bộ máy hoạt động, hiện Gỗ An Cường có 3 công ty con kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất gỗ, cung cấp thiết bị nội thất và thiết bị nhà bếp là Công ty TNHH Sản xuất Gỗ An Cường, Công ty TNHH Malloca Việt Nam và Công ty TNHH Aconcept Việt Nam. Trong đó Aconcept Việt Nam là công ty con của Malloca Việt Nam.