Giữa vòng xoáy thương mại toàn cầu, Thủy sản Nam Việt xoay sở ra sao?
Xuất khẩu 93 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường lớn nhất
Theo ông Nguyễn Trọng Hữu - Trợ lí Ban Tổng Giám đốc Navico cho biết, năm 2018 là năm phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt với 61 nghìn tấn tương ứng giá trị 145 triệu USD, tăng trưởng gần 56 so với kết quả năm 2017.
Navico kì vọng trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng 14% lên mức 165 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2019, công ty ghi nhận giá trị xuất khẩu đạt 93 triệu USD, tăng trưởng 12% so với cùng kì năm trước.
Tình hình xuất khẩu cá tra của Navico qua các năm. Nguồn: Navico
Về thị trường xuất khẩu, đại diện Navico cho biết tỉ trọng xuất khẩu sang các nước của Navico trong 9 tháng đầu năm 2019 đã có sự thay đổi đáng kể so với năm 2018. Trong đó, thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng tỉ trọng từ 19% lên 26%, đây là một trong những thị trường đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Navico trong năm 2019.
Ngoài thị trường Trung Quốc, các nước thuộc khu vực châu Á và châu Âu cũng ghi nhận sự tăng trưởng trong tỉ trọng xuất khẩu của Nam Việt. Trong khi đó, thị trường Brazil chứng kiến sự giảm sút về mặt tỉ trọng từ 16% xuống còn 5%.
Các thị trường xuất khẩu của Navico. Nguồn: Navico
Tập trung khai thác thị trường 1,4 tỉ dân
Giữa năm 2018, kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã tác động đáng kể đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là đối với ngành thủy sản.
Theo bà Phạm Thị Tố Tâm, Trưởng Bộ phận Phân tích ngành Thủy sản CTCP Chứng khoán Rồng Việt, bên cạnh những thuận lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, từ đầu năm đến nay ngành thủy sản Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,3 tỉ USD, giảm 8% so với cùng kì năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 42%, trong khi các thị trường khác như EU vẫn tăng trưởng tốt với 21% hay Trung Quốc - Hong Kong tăng 17%.
Theo đánh giá của VDSC, đối với thị trường Trung Quốc - Hong Kong (thị trường xuất khẩu chính của Nam Việt), kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt do nhu cầu tại đây vẫn lớn.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc siết chặt xuất khẩu thủy sản qua đường tiểu ngạch cũng hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua đường chính ngạch như Navico.
Nguồn: Navico
Theo ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Navico, công ty bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ giữa năm 2018 thông qua thị trường chính ngạch, đáp ứng đầy đủ được các tiêu chuẩn của chính phủ Trung Quốc và khách hàng.
Trong thời gian qua, Navico đã tăng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc từ khoảng 17% năm 2018 lên 26% như hiện tại do cá tra vẫn đang rất được ưa chuộng tại đây.
"Thông thường, người Việt Nam khi nhắc đến thị trường Trung Quốc thông thường ai cũng sợ vì tính không ổn định, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thường rơi vào bẫy giá của thương lái Trung Quốc, tuy nhiên đối với mặt hàng thủy sản thì chưa gặp phải vấn đề này", ông Nhứt cho biết.
Ông cũng đánh giá thêm, Trung Quốc là thị trường mới, rộng lớn và rất nhiều tiềm năng để phát triển, do đó mức tăng sẽ không dừng lại ở 26% mà có thể tăng lên 33 - 35%.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang có sản lượng cá rô phi khá lớn, tuy nhiên vẫn phải nhập cá tra do tính chất khác nhau của hai sản phẩm, trong khi nhu cầu cá tra ngày càng tăng lên. Do đó, công ty không lo bị cá rô phi cạnh tranh mà sợ nhất là cạnh tranh với cá tra của Ấn Độ và Bangladesh, hai nước xuất khẩu cá tra tương đối mạnh.
Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Navico (phải). Ảnh: Sơn Tùng
Với các thị trường khác, ông Nhứt chia sẻ thêm, thông thường các nhà phân tích cho rằng khi tham gia vào CPTPP thì doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ tăng vọt nhờ ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, trong số các nước tham gia hiệp định chỉ có một nước ăn cá tra là Mexico chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2018, do đó không quá kì vọng vào các hiệp định này.
Trong khi đó, hiệp định EVFTA giúp giảm thuế xuất khẩu vào châu Âu từ 4,5 - 5,5% về 0%; tuy nhiên mức thuế không được giảm ngay mà phải kéo dài trong 3 năm, do đó theo ông Nhứt cũng không tác động nhiều đến sản lượng tiêu thụ.
Dự án Bình Phú có thể giúp lợi nhuận của Navico tăng thêm trên 500 tỉ đồng mỗi năm
Với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, Navico đã thực hiện dự án vùn nuôi Bình Phú áp dụng công nghệ cao với diện tích 600 ha, hiện nay đang có trong tay 500 ha được qui hoạch thẳng theo qui mô lớn.
Ao cá tại trang trại của Navico. Nguồn: Undercurrent News
Công suất dự án sau khi hoàn thành có thể đạt mức 200.000 tấn, tuy nhiên lãnh đạo Navico cho biết sản lượng thực tế sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Dự án được dự kiến bắt đầu cho thu hoạch vào đầu năm 2020.
Do là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bình Phú sẽ được miễn thuế 4 năm, giảm thuế 50% trong 9 năm, và được áp dụng thuế suất 10% trong 12 năm.
Ông Nhứt cho biết, hiện nay Navico không đủ cá để cung ứng cho thị trường Trung Quốc. Do đó, Bình Phú phải là nơi tham gia cung cấp nguyên liệu chế biến, không chỉ riêng thị trường Trung Quốc mà còn cung ứng cho tất cả các thị trường của công ty bao gồm Trung Quốc, châu Âu, Thái Lan, Mexico.
Nhờ có vùng nuôi lớn, Navico sẽ kiểm soát được chi phí cá nguyên liệu. Hiện nay, chi phí cá nguyên liệu trên thị trường khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg, của Navico đang là 20.000 đồng/kg. Khi hoàn thành vùng nuôi, chi phí có thể giảm xuống còn 17.000 đồng - 18.000 đồng/kg, thấp hơn 5000 đồng/kg so với thị trường.
Kết quả kinh doanh của Navico qua các năm. Nguồn: Navico
Cập nhật kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Trọng Hữu cho biết, Navico ước tính doanh thu thuần đạt 3.105 tỉ đồng, tăng 13,5% so với cùng kì năm trước; lợi nhuận sau thuế ước đạt 510 tỉ đồng, tăng 66%.
Biên lãi gộp được cải thiện từ mức 16% trong 9 tháng năm 2018 lên 24%, theo đó là một trong những doanh nghiệp sản xuất cá tra có biên lợi nhuận cao nhất cùng với Vĩnh Hoàn.
So với kế hoạch doanh thu 4.700 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 700 tỉ đồng, Navico ước tính thực hiện được 66,1% kế hoạch doanh thu và 73% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Dù vậy, lãnh đạo Công ty vẫn tự tin có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay.