|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giữ lại 70% phần tăng thu ngân sách địa phương để cải cách tiền lương

20:40 | 24/03/2018
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, từ nay Chính phủ sẽ giữ lại 70% phần tăng thu ngân sách địa phương và 50% số vượt thu của ngân sách Trung ương để bổ sung, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021.
giu lai 70 phan tang thu ngan sach dia phuong de cai cach tien luong Trung ương bắt đầu khảo sát để cải cách tiền lương
giu lai 70 phan tang thu ngan sach dia phuong de cai cach tien luong Xây dựng Đề án cải cách tiền lương, BHXH trình Trung ương
giu lai 70 phan tang thu ngan sach dia phuong de cai cach tien luong 4 nguồn để cải cách tiền lương năm 2017
giu lai 70 phan tang thu ngan sach dia phuong de cai cach tien luong
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ngày 24/3, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức tọa đàm khoa học “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách chính sách tiền lương.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách ưu đãi người có công cho biết, trước đây việc xây dựng chính sách và quản lý lĩnh vực tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công liên quan chặt chẽ với nhau, không phản ánh đúng bản chất của các lĩnh vực này.

Cụ thể, quan hệ tiền lương theo nguyên tắc giá cả thù lao của sức lao động, BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng, chia sẻ rủi ro và chính sách ưu đãi người có công là chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan tới vấn đề an sinh xã hội.

Do đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tập trung xây dựng 2 đề án riêng, gồm Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Đề án cải cách chính sách BHXH, nhưng có tính tương quan lẫn nhau.

Theo Phó Thủ tướng, từ năm 2016, Ban Chỉ đạo đã triển khai nhiệm vụ để xây dựng dự thảo đề án, tham vấn hàng chục cơ quan liên quan. Tuy nhiên, việc xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trung ương đã 3 lần thảo luận cho ý kiến về đề án này từ năm 2003 tới nay nhưng chưa thể thông qua nghị quyết.

Phó Thủ tướng cho biết, một số điểm mới trong tư duy cải cách tiền lương là xây dựng 2 bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí việc làm, một bảng dành cho cán bộ làm công việc thuần túy về chuyên môn, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp.

Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập của cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế là tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập và phụ cấp không được quá 30%. Đồng thời, quy định thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% quỹ tiền thưởng (trong lương) trả thêm cho người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có quỹ lương để thủ trưởng bộ, địa phương tuyển dụng nhân tài.

Phó Thủ tướng cho biết, sau khi đề án được thông qua, từ năm 2021, cả nước mới bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Về nguồn cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng cho biết, từ nay Chính phủ sẽ giữ lại 70% phần tăng thu ngân sách của địa phương, giữ lại 50% số vượt thu của ngân sách Trung ương để bổ sung tạo nguồn thực hiện từ năm 2021; tập trung chống xói mòn cơ sở thuế để củng cố nguồn lực cho ngân sách.

Lao động đóng BHXH trên 10 năm mới được hưởng trợ cấp hưu trí

Đề cập đến vấn đề cải cách chính sách BHXH, Phó Thủ tướng cho biết, đề án sẽ thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng- hưởng và chia sẻ rủi ro.

Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do BHXH chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng hưởng để hỗ trợ cho quỹ và nâng cao chất lượng chi trả.

Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng BHXH, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia BHXH cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng- hưởng.

Ngoài ra, để bảo đảm nguyên tắc của chính sách và duy trì, phát triển quỹ, đề án quy định người lao động tham gia BHXH trên 10 năm mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu.

Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 1/1/2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

“Nếu không bàn tới tăng tuổi nghỉ hưu thì khó bảo đảm quỹ. Quyết định này có tác động lâu dài hàng chục năm nhưng phải hành động mau lẹ trong thời gian ngắn. Bài học Italy điều chỉnh 4 tuổi nghỉ hưu trong 10 năm đã làm cho thị trường lao động rối loạn trong 20 năm sau này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Tại cuộc tọa đàm, các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ đồng tình với các quan điểm, cách thức xây dựng 2 đề án. Đồng thời, nhấn mạnh Ban Chỉ đạo, Chính phủ cần tăng cường truyền thông để các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ được tính cấp bách của vấn đề cải cách tiền lương, BHXH để đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực con người cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Vạn Xuân

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.