|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giới phân tích: Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ trong 2021

21:59 | 30/12/2020
Chia sẻ
Trung Quốc sẽ duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô nhất quán, ổn định và bền vững vào năm 2021, với một chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chính xác, hợp lý và vừa phải.

Giới phân tích cho biết, Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ của nước này trong năm 2021 tới để đạt được hai nhiệm vụ là thúc đẩy phục hồi kinh tế và ngăn ngừa rủi ro tài chính.

Theo báo cáo từ Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra vào tháng 12/2020, Trung Quốc sẽ duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô nhất quán, ổn định và bền vững vào năm 2021, với một chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chính xác, hợp lý và vừa phải.

Wang Qing, chuyên gia phân tích của Golden Credit Rating International, cho biết các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc dự kiến sẽ "bình thường hóa" vào năm tới sau khi mở rộng các chính sách tín dụng trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, xu hướng siết chặt tín dụng có thể được thực hiện dần dần.

Theo ông Wang, không có khả năng Bắc Kinh sẽ thay đổi đột ngột trong định hướng chính sách. Thay vì áp dụng một loạt chính sách kích thích kinh tế mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng theo cách linh hoạt và phù hợp để giảm thiểu tác động của đại dịch và cung cấp thanh khoản cho những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19.

Guo Kai, một quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), cho biết các công cụ chính sách tiền tệ đặc biệt đã được sử dụng tạm thời để ứng phó với đại dịch COVID-19, ví dụ về các khoản vay hỗ trợ sản xuất vật tư y tế và các khoản cho vay trả chậm.

Các gói hỗ trợ tài chính có mục tiêu đã được trao cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cũng như những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. 

Dữ liệu của PBoC cho thấy, dư nợ cho vay của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã tăng gần 30% vào cuối tháng 9/2020, mức cao nhất trong 7 tháng qua.

Theo Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính Nomura, việc hạn chế các chương trình kích thích kinh tế sẽ tạo điều kiện để tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc không suy giảm nhanh trong năm tới, nhân tố có thể dẫn đến vỡ nợ trái phiếu và các rủi ro tài chính khác.

Trong một cuộc họp được tổ chức sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc mới đây, PBoC đã cam kết duy trì ổn định chính sách vĩ mô của nước này, trong khi cân bằng giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế và ngăn ngừa rủi ro.

PBoC cũng cam kết hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân và quy mô nhỏ, đồng thời đẩy mạnh mở rộng chính sách tín dụng trong các lĩnh vực bao gồm đổi mới công nghệ, phát triển "xanh" và sản xuất.

Minh Trang