|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới phân tích: Kinh tế Brazil sẽ đối mặt với những thách thức lớn vào năm 2023

10:15 | 25/12/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế Brazil sẽ đối mặt với những thách thức lớn vào năm 2023, bao gồm bối cảnh toàn cầu không chắc chắn, lạm phát gia tăng và sự phục hồi mong manh của nền kinh tế, trong khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Luiz Inacio Lula da Silva phải “chật vật” với năm đầu tiên tại nhiệm.

Công nhân làm viện tại một nhà máy ở Taubate, Brazil. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Nhóm cố vấn kinh tế mới của Tổng thống đắc cử Lula, dẫn đầu bởi Bộ trưởng Tài chính Fernando Haddad, phải cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc tăng cường các chương trình xã hội như đã hứa và kiềm chế chi tiêu để ngăn nợ công gia tăng.

Theo ông Roberto de Goes Ellery Junior, giáo sư Kinh tế tại Đại học Brasilia, hoạt động kinh tế năm 2022 được hưởng lợi từ các chính sách kích thích liên quan đến nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống sắp mãn nhiệm Jair Bolsonaro.

Ông Junior nói: “Nhìn vào các con số của năm 2022, có một kết quả thú vị: tăng trưởng kinh tế tốt theo mục tiêu mà chính phủ đã đề ra và lạm phát cao nhưng thấp hơn so với các quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ và châu Âu. Tôi đánh giá năm 2022 là một năm rõ ràng mà kinh tế Brazil diễn biến khá tốt, nhưng có thể nó phải trả giá đắt sau đó, như đã xảy ra trước đây trong lịch sử Brazil”.

Ông Junior cho rằng, tác động của việc tăng chi tiêu có thể dẫn đến nhiều vấn đề "bởi vì không ai thích lãi suất cao, lạm phát, hoặc sự mất giá của tỷ giá hối đoái”. Theo ông, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn, cả từ góc độ kinh tế và chính trị. Chính phủ sẽ cần rất nhiều khả năng để vượt qua khó khăn và mang lại các kết quả tốt, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Luis Antonio Paulino, giáo sư kinh tế tại Đại học Bang Paulista, dự đoán tốc độ tăng trưởng của kinh tế Brazil, vốn khá tích cực vào năm 2022, sẽ chậm lại vào năm tới, do tình trạng bất ổn toàn cầu kéo theo. Ông nói: “Vào năm 2022, tăng trưởng kinh tế Brazil sẽ là 2,8% trong năm 2023, trên mức trung bình của các nước phát triển, nhưng dưới mức trung bình toàn cầu và của các nền kinh tế mới nổi”.

Ông nói thêm: “Điều giúp duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, bất chấp các khó khăn, là sự phục hồi của các hoạt động sau đại dịch, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ”. Ông Paulino chỉ dự báo mức tăng trưởng 1% cho nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này trong năm tới.

Minh Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).