Giới đầu tư hướng tới các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á hậu COVID-19
Các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á thuộc nhóm thị trường tăng mạnh nhất trong giai đoạn bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhờ khu vực này đã kiểm soát dịch tốt và đang trên đà khởi sắc hơn trong năm 2021 khi các nền kinh tế phục hồi và thanh khoản dồi dào đã giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng.
Chỉ số MSCI của thị trường mới nổi châu Á tăng 63% kể từ mức thấp hồi tháng Ba, vượt hầu hết các thị trường trên thế giới trong năm qua, trong đó có các thị trường Mỹ.
Nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý quỹ Matthews Asia, Winnie Chwang, cho rằng khả năng kiểm soát tốt dịch COVID-19 của châu Á đã giúp triển vọng lợi nhuận thêm chắc chắn. Số liệu tăng trưởng của các nước châu Á như Trung Quốc tiếp tục mang đến những cơ hội hấp dẫn.
Bà Chwang là một trong số sáu nhà phân tích và nhà quản lý quỹ cho rằng các nhà đầu tư đang kỳ vọng các thị trường chứng khoán mới nổi châu Á, trừ Philippines (Phi-líp-pin), sẽ duy trì động lực trong năm nay.
Các thị trường chứng khoán khu vực đang bước vào năm 2021 một cách ấn tượng. Hàng loạt cổ phiếu được niêm yết và sức hấp dẫn trở lại của các cổ phiếu có tính chu kỳ đã giúp giá cổ phiếu ở châu Á tăng mạnh trong năm 2020, khi số lượng nhà đầu tư lẻ tăng rõ rệt.
Theo số liệu của Refinitiv, một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của chứng khoán châu Á là tổng cộng 855 công ty tại khu vực này đã "lên sàn" trong năm 2020, huy động tổng cộng 112 tỷ USD, tăng 69% so với năm 2019. Các công ty Trung Quốc chiếm 82% trong tổng số này.
2021 có thể là một năm cũng "nhộn nhịp" như vậy, khi hơn 360 công ty sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Theo các nhà phân tích, giới đầu tư đang dành những hy vọng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, tiếp đến là Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Ấn Độ và Thái Lan. Kỳ vong này dựa trên giả định tăng trưởng kinh tế sẽ ổn định dần, tình hình tài chính tốt sẽ cho phép các công ty vay và đầu tư, và sức ép về thuế sẽ giảm.
Goldman Sachs nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp ở châu Á sẽ tăng 16% trong năm tới, trong khi Citigroup và Nomura dự báo mức tăng là trên 20% trong kịch bản lạc quan nhất. Credit Suisse dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ở châu Á là 19%, vượt mức tăng 15% của phần còn lại của thế giới.
Các nhà phân tích của Credit Suisse cũng cho rằng 2021 sẽ là năm khởi đầu cho một siêu chu kỳ lợi nhuận mới trong thập niên tới, với tăng trưởng lợi nhuận hai con số bền vững, sau 10 năm tăng trưởng một con số.
Trong khi đó, những rủi ro chính trong năm nay là sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 trong khu vực, các kết quả nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 không thu được kết quả như dự kiến hay sự chậm trễ trong việc phân phối vaccine ngừa COVID-19. Việc dừng các biện pháp kích thích mà trước đó đã giúp các nền kinh tế ứng phó với tác động của dịch COVID-19 có thể sẽ tác động tiêu cực đến lòng tin của nhà đầu tư.
Số liệu của Goldman Sachs cho thấy số ca mắc COVID-19 gần đây tăng tại các nền kinh tế châu Á, từ Nhật Bản tới Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại sau khi họ bán ròng cổ phiếu của các công ty châu Á trong tháng 12/2020, lần đầu tiên trong gần 11 tuần qua.
Theo người phụ trách các giải pháp cho các tài sản tại châu Á-Thái Bình Dương của công ty quản lý quỹ T Rowe Price, Thomas Poullaouec, các nhà đầu tư nên mua vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ và tranh thủ cơ hội tại các thị trường mới nổi.